Dựa trên truyền thống lâu đời của Giáo hội Công giáo, những việc đạo đức mỗi ngày trong tuần này là cách thiết thực để thánh hóa thời gian và sống đức tin một cách có ý nghĩa suốt cả tuần.
Trong truyền thống Công giáo, mỗi ngày trong tuần đều gắn liền với một chủ đề sùng kính riêng biệt: từ việc tưởng niệm Chúa Phục Sinh vào Chúa Nhật, cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, các thiên thần, thánh Giuse, Bí tích Thánh Thể, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, cho đến kính Đức Mẹ vào ngày thứ Bảy.

Tập quán này hình thành qua thời gian, đặc biệt là khi các thánh lễ cầu nguyện theo ý riêng (votive Mass) phát triển trong Giáo hội sơ khai. Các thánh lễ này dần dần được gán cho từng ngày cụ thể trong tuần để tưởng nhớ các mầu nhiệm hoặc các nhân vật thánh thiêng.
Vào năm 1570, Sách lễ của Đức Giáo hoàng Piô V đã hệ thống lại các thánh lễ này như sau:
-
Thứ Hai: Kính Chúa Ba Ngôi
-
Thứ Ba: Kính các Thiên thần
-
Thứ Tư: Kính các Thánh Tông đồ (và sau năm 1920, thêm thánh Giuse)
-
Thứ Năm: Kính Chúa Thánh Thần (và từ năm 1604, thêm Bí tích Thánh Thể)
-
Thứ Sáu: Kính Thánh Giá và Cuộc Thương Khó
-
Thứ Bảy: Kính Đức Maria
Sau cải tổ phụng vụ, việc chọn thánh lễ trong ngày được linh mục quyết định tự do hơn. Tuy nhiên, trong lòng người tín hữu, những mối liên kết truyền thống này vẫn tiếp tục tồn tại, giúp định hướng tâm hồn sống đức tin suốt tuần lễ, như cách các Giờ Kinh Phụng Vụ định hướng mỗi ngày.
Chi tiết các ngày trong tuần:
Chúa Nhật: Kính Chúa Phục Sinh và Ba Ngôi Thiên Chúa
Chúa Nhật luôn là ngày của Chúa Phục Sinh, nhưng từ thiên niên kỷ thứ hai, ngày này cũng được gắn với Chúa Ba Ngôi do các bài kinh trong phụng vụ. Ban đầu, người tín hữu chia ra kính Chúa Cha vào Chúa Nhật, Chúa Con vào Thứ Hai, và Chúa Thánh Thần vào Thứ Ba. Tuy nhiên, vì điều này dễ gây hiểu lầm về sự hiệp nhất của Ba Ngôi, nên về sau, việc kính Chúa Ba Ngôi được gắn lại với Chúa Nhật.
Thứ Hai: Cầu nguyện cho các Linh hồn nơi Luyện ngục
Từ thời Trung Cổ, người ta tin rằng các linh hồn được nghỉ ngơi từ chiều tối thứ Bảy đến sáng thứ Hai, trước khi trở lại những đau khổ thanh luyện. Vì thế, Thứ Hai trở thành ngày cầu nguyện đặc biệt cho họ. Ngoài ra, trong một số truyền thống, ngày này cũng tưởng nhớ Chúa Thánh Thần.
Thứ Ba: Kính các Thiên thần
Ban đầu, các Thánh lễ kính Thiên thần được tổ chức vào Thứ Hai, vì họ là tạo vật đầu tiên của Thiên Chúa và là người hướng dẫn các linh hồn nơi luyện ngục. Sau này, Đức Piô V dời lễ này sang Thứ Ba, dù trong lòng đạo đức bình dân, có nơi vẫn giữ vào Thứ Hai.
Thứ Tư: Kính các Thánh Tông đồ và Thánh Giuse
Vì Thứ Tư là một trong ba ngày trọng hơn trong tuần (cùng Thứ Sáu và Thứ Bảy, theo truyền thống chay tịnh), nên được dành để kính các Thánh Tông đồ và sau đó là Thánh Giuse – người giữ vai trò quan trọng trong đời sống Kitô hữu và mẫu gương cho đời sống lao động.
Thứ Năm: Kính Bí tích Thánh Thể
Chúa lập Bí tích Thánh Thể vào Thứ Năm Tuần Thánh, nên ngày này đặc biệt được dành để kính Thánh Thể. Các buổi chầu Thánh Thể thường được tổ chức vào Thứ Năm, cùng với việc suy gẫm cuộc hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu.
Thứ Sáu: Kính Thánh Giá và Thánh Tâm Chúa Giêsu
Ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, ngày ăn chay và hãm mình. Ngoài ra, Thứ Sáu đầu tháng được dành để tôn kính Thánh Tâm Chúa, theo mặc khải cho thánh nữ Margarita Maria Alacoque – ai rước lễ trong chín Thứ Sáu đầu tháng sẽ được ơn chết lành.
Thứ Bảy: Kính Đức Mẹ
Từ thế kỷ thứ 9, Thứ Bảy được dành kính Đức Mẹ, vì Mẹ là người duy nhất trung thành đứng bên Chúa Giêsu cho đến cuối cùng, và giữ trọn niềm tin vào ngày phục sinh. Truyền thống này đến nay vẫn được gìn giữ trong phụng vụ.
Dịch theo: 7 Catholic Devotions to Change Your Week — and Your Life| National Catholic Register
- Các giám mục Công giáo kêu gọi hành động khi vấn đề phá thai được đưa vào lá phiếu bầu cử
- Suy niệm: “Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”
- Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di
- Là những Kitô giáo và là người Mỹ, chúng ta có nghĩa vụ đối xử với nhau bằng lòng bác ái, sự tôn trọng và lịch sự
- Vai trò của phụ nữ trong Giáo hội Công giáo