spot_img

ĐTC Phanxicô: Cả hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ đều mang quan điểm chống lại sự sống

Khi trở lại Rome vào cuối chuyến thăm từ ngày 2-13 tháng 9 đến Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tổ chức cuộc họp báo trên máy bay theo thông lệ và được hỏi về việc người Mỹ nên lựa chọn ứng viên nào cho kỳ bầu cử tới.

Khi được hỏi một người Công giáo Hoa Kỳ có nên bầu cho người ủng hộ phá thai hay người ủng hộ đóng cửa biên giới và trục xuất người nhập cư, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng người ta phải chọn “cái ít ác hơn.”

“Ai là ‘cái ít ác hơn’, người phụ nữ đó hay người đàn ông đó?” Đức Giáo hoàng hỏi, ám chỉ Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. “Tôi không biết. Mỗi người phải suy nghĩ và quyết định theo lương tâm của mình.”

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dành 45 phút trả lời các câu hỏi từ 10 nhà báo trên chuyến bay ngày 13 tháng 9 từ Singapore đến Rome sau chuyến đi kéo dài 12 ngày. Ngài đã được hỏi về bốn quốc gia mà ngài đã đến thăm, về lạm dụng tình dục, về kế hoạch Tông du trong tương lai của ngài, về cuộc chiến ở Đất Thánh và quan hệ của Vatican với Trung Quốc.

Một phóng viên truyền hình Hoa Kỳ đã hỏi ngài về lựa chọn mà các cử tri Công giáo phải đối mặt giữa Harris, người ủng hộ hợp pháp hóa phá thai, và Trump, người muốn hạn chế nghiêm ngặt vấn đề nhập cư và đã nói rằng ông muốn trục xuất hàng chục nghìn người nhập cư.

Cả hai thái độ này đều “chống lại sự sống: một người muốn đuổi người nhập cư và một người giết trẻ em,” Đức Giáo hoàng nói. “Cả hai đều chống lại sự sống.”

Trong Cựu Ước, dân Chúa liên tục được nhắc nhở phải quan tâm đến “những góa phụ, trẻ mồ côi và người ngoại quốc”, tức là người di cư. Họ là ba người mà dân Israel phải bảo vệ. Người nào không quan tâm đến người nhập cư thì thiếu sót; đó là một tội lỗi.”

Và “phá thai là giết một con người. Dù bạn có thích từ đó hay không, đó là việc giết người,” Đức Giáo hoàng nói. “Giáo hội Công giáo không cho phép phá thai vì đó là giết người. Đó là một vụ ám sát. Và chúng ta phải rõ ràng về điều đó.”

Đức Giáo hoàng đã được hỏi liệu có những trường hợp mà một người Công giáo có thể bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ phá thai hay không.

“Trong đạo đức chính trị, nói chung, người ta nói rằng không bầu cử là sai; phải bầu cử, và phải chọn cái ác ít hơn” theo lương tâm của mình, ngài nói.

Phá thai và việc chăm sóc người nhập cư đều là những vấn đề mà các Giám mục Hoa Kỳ khuyến khích người Công giáo xem xét khi bỏ phiếu. Trong tài liệu của mình với tên gọi, “Hình thành Lương tâm cho Tín Hữu”, họ cho biết, “Mối đe dọa của phá thai vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng ta vì nó tấn công trực tiếp những anh chị em dễ bị tổn thương và không có tiếng nói nhất của chúng ta và hủy diệt hơn một triệu sinh mạng mỗi năm chỉ riêng tại nước ta.”

Vào đầu chuyến đi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, một nhà văn người Pháp đã tung tin đồn rằng ngài sẽ đến Paris vào ngày 8 tháng 12 để khai trương và thánh hiến bàn thờ trong Nhà thờ Đức Bà, được xây dựng lại sau vụ hỏa hoạn tàn phá năm 2019.

Khi được hỏi về chuyến đi đó, câu trả lời của Đức Giáo hoàng rất đơn giản: “Tôi sẽ không đi Paris.”

Về ý tưởng một vị giáo hoàng 87 tuổi thực hiện chuyến đi đến Argentina, quê hương của ngài, ngài không rõ ràng như vậy.

“Đó là điều vẫn chưa được quyết định,” ngài nói. “Tôi muốn đi. Họ là dân tộc của tôi. Nhưng có nhiều việc cần giải quyết trước tiên.”

Tuy nhiên, nếu ngài đi, ngài muốn dừng lại ở Quần đảo Canary, một vùng tự trị của Tây Ban Nha ở Đại Tây Dương, nơi hàng ngàn người di cư — bao gồm nhiều trẻ vị thành niên không có người đi kèm — đã đến từ Senegal, Mali và các nước châu Phi khác.

Về vụ bê bối lạm dụng tình dục giáo sĩ vẫn đang tiếp diễn, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã được hỏi về những tiết lộ mới trong vụ Abbé Pierre, linh mục người Pháp và là người sáng lập Cộng đồng Emmaus, qua đời năm 2007 ở tuổi 94.

Khi chuyến đi của Đức Giáo hoàng bắt đầu, Cộng đồng Emmaus đã thông báo rằng có những cáo buộc mới về việc lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em đã được đưa ra chống lại linh mục này, và truyền thông Pháp đưa tin rằng các quan chức giáo hội và lãnh đạo cộng đồng đã cố gắng che đậy các cáo buộc từ những năm 1950.

“Chúng ta phải nói rõ ràng về những điều này và không che giấu chúng,” Đức Giáo hoàng nói. “Lạm dụng, theo đánh giá của tôi, là điều gì đó mang tính quỷ quyệt” vì nó tấn công vào tính thiêng liêng và phẩm giá do Chúa ban của một người khác.

Tại thời điểm đó trong chuyến bay của Singapore Airlines, phi công đã ngắt lời Đức Giáo hoàng và thông báo qua loa rằng mọi người nên trở lại chỗ ngồi và thắt dây an toàn.

“Câu hỏi của bạn đã tạo ra một số nhiễu động,” Đức Giáo hoàng nói đùa với phóng viên.

Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng vẫn ở trên chiếc ghế di động của mình ở lối đi giữa và tiếp tục trả lời các câu hỏi.

“Lạm dụng tình dục trẻ em, trẻ vị thành niên, là một tội ác,” ngài nói.

Sau khi trả lời hai câu hỏi khác, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quay trở lại chủ đề Abbé Pierre để nói với phóng viên, “Tôi không biết khi nào Vatican biết về việc này. Tôi không biết vì tôi không ở đây, và tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nghiên cứu nó, nhưng chắc chắn là sau khi ông ấy qua đời — điều đó là chắc chắn.”

Về mối quan hệ của Vatican với Trung Quốc, Đức Giáo hoàng nói, “Tôi hài lòng với cuộc đối thoại với Trung Quốc. Kết quả là tốt. Ngoài ra, về việc bổ nhiệm các giám mục, công việc đang tiến triển với thiện chí.”

Năm 2018, Vatican và chính phủ Trung Quốc đã ký một thỏa thuận phác thảo các thủ tục đảm bảo các giám mục Công giáo được cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc bầu chọn và được Đức Giáo hoàng chấp thuận trước khi được tấn phong hoặc bổ nhiệm. Thỏa thuận tạm thời, kéo dài hai năm, đã được gia hạn vào năm 2020 và 2022, sẽ được gia hạn vào tháng 10.

Văn bản chưa bao giờ được công khai, nhưng Vatican đã hai lần phàn nàn trong sáu năm qua khi Trung Quốc bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển các Giám mục dường như đã vi phạm thỏa thuận.

Đức Giáo hoàng cũng nói rằng ngài hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc trong việc khuyến khích giải quyết hòa bình cuộc chiến ở Dải Gaza.

“Tôi gọi điện cho giáo xứ ở Gaza mỗi ngày, mỗi ngày,” ngài nói; bên trong khuôn viên của Giáo xứ Thánh Gia, khoảng 600 người — cả người Kitô hữu và người Hồi giáo — đã trú ẩn.

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng ngài không thể phán xét liệu phản ứng của Israel đối với cuộc xâm lược của Hamas vào tháng 10 có quá mức hay không, “nhưng, xin vui lòng, khi bạn thấy thi thể của những đứa trẻ đã bị giết — khi bạn thấy rằng vì giả định có một số du kích ở đó mà họ ném bom một trường học — thì thật kinh khủng, thật kinh khủng.”

“một cuộc chiến quá sức, quá sức.” Ngài nói.

A. Bình An ECM dịch từ: Website Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

spot_imgspot_img
spot_img

BÀI MỚI

XEM THÊM