Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi thông tin được phát tán nhanh hơn tốc độ ánh sáng và ý kiến cá nhân được đăng tải chỉ với một cú nhấp chuột. Điều này tạo nên một môi trường mở nơi điều tốt dễ dàng được lan tỏa nhưng đó cũng là mảnh đất màu mỡ cho sự chỉ trích, châm biếm và thậm chí là báng bổ tôn giáo. Vậy, khi gặp phải những lời lẽ này, người Công giáo nên phản ứng thế nào?
Ảnh: Decohere Ai
Trước hết, cần khẳng định rằng, cảm giác khó chịu hoặc tổn thương khi đức tin của mình bị xúc phạm là điều tự nhiên. Đức tin là một phần sâu sắc trong con người, là cầu nối giữa ta và Thiên Chúa. Nhưng, Chúa Giêsu đã để lại một thông điệp quan trọng: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Đây không phải là một lời khuyên dễ thực hiện, đặc biệt khi đứng trước sự xúc phạm công khai, nhưng nó là lời nhắc nhở về cách hành xử có căn bản từ tình yêu thương và lòng kiên nhẫn.
Khi đối diện với sự báng bổ đức tin trên mạng, việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh. Sự nóng giận hay phản ứng bốc đồng làm chúng ta căng thẳng. Trả lời lại một cách giận dữ chỉ đổ thêm dầu vào lửa và tạo ra sự phân cực sâu hơn. Thay vào đó, hãy dừng lại, thở sâu và nghĩ xem liệu có cách nào để biến cuộc đối thoại thành cơ hội truyền giáo hay không?.
Thứ hai, hành xử với lòng bác ái. Mạng xã hội thường không cho ta thấy khuôn mặt thật sự của người bên kia màn hình – họ có thể là những người đang tìm kiếm sự chú ý, những người hiểu lầm, hoặc thậm chí là những người tổn thương và đang chống lại chính điều họ không hiểu rõ. Lời đáp trả của chúng ta là, hành hành xử với đầy lòng bác ái và tôn trọng, đó là tia sáng nhỏ cho họ nhận ra căn tính của một người Công giáo.
Ảnh: Decohere Ai
Còn nếu quyết định lên tiếng, hãy làm điều đó bằng kiến thức và sự khôn ngoan. Thánh Phêrô đã dạy:
“Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1 Pr 3,15-16). Đừng để mình sa vào việc cãi cọ, thay vào đó, hãy chia sẻ sự thật với một trái tim mở.
Mạng xã hội là một môi trường đầy thử thách nhưng cũng là cơ hội để chúng ta sống đức tin cách mạnh mẽ hơn. Dù có bao nhiêu lời báng bổ xuất hiện, hãy nhớ rằng đức tin của chúng ta không phụ thuộc vào những dòng bình luận vô nghĩa. Giữa những tranh luận và lăng mạ, chúng ta được gọi để là những chứng nhân của tình yêu, lòng khoan dung và ánh sáng từ Chúa Kitô.