(KOLs) Người ảnh hưởng Công giáo đang gặp vấn đề với lý thuyết truyền thông (và việc loan báo Tin Mừng)

34 lượt xem - Posted on

Không có gì là bí mật khi truyền thông kỹ thuật số đang làm phức tạp cách con người giao tiếp với nhau. Chúng ta có thể tranh luận về những mặt tích cực và tiêu cực, những cơ hội và đánh đổi. Nhưng điều không thể phủ nhận là những thay đổi ấy đã xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra.

Ngay từ buổi đầu, Giáo hội luôn tìm cách giao tiếp với thế giới và loan báo Tin Mừng. Ngày nay, những người ảnh hưởng Công giáo những người sử dụng mạng xã hội và công cụ kỹ thuật số để rao giảng Tin Mừng đang ngày càng được nhìn nhận như những nhà truyền giáo mới. Dù các công cụ hiện đại này giúp bất kỳ ai cũng có thể trở thành người loan báo Tin Mừng trên không gian số, thì đồng thời, chúng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm biến đổi chính cách chúng ta hiểu về sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Năm 1985, nhà lý thuyết truyền thông người Mỹ Neil Postman đã phân tích sự thay đổi trong cách con người đối thoại khi truyền hình xuất hiện, và ảnh hưởng của nó đến chính trị Hoa Kỳ. Trong cuốn sách Amusing Ourselves to Death (tạm dịch: “Giải trí đến chết”), ông muốn hiểu cách mà công cụ giải trí quyền lực này đang định hình đời sống công cộng.

Cuốn sách trở lại với công chúng và trở nên phổ biến trở lại vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Donald Trump. Nhiều nhà báo và chuyên gia truyền thông, bao gồm cả con trai Postman, cho rằng cuốn sách mang tính tiên tri khi nó đã tiên đoán tình trạng đối thoại công cộng hiện nay.

Với Postman, sự phát triển của phương tiện truyền thông không chỉ cung cấp hình thức nội dung mới, mà còn làm thay đổi cấu trúc cơ bản của việc đối thoại. Cách chúng ta chọn truyền thông phản ánh cách chúng ta hiểu và sử dụng trí tuệ. Nói cách khác, phương tiện truyền thông ảnh hưởng đến cách chúng ta tạo ra và tiếp nhận nội dung.

Một số học giả không đồng tình với quan điểm khá “quyết định luận” này. Tuy nhiên, khi Postman nói rằng “hình thức sẽ định hình nội dung”, ông không có ý phủ nhận vai trò chủ thể của con người. Để hiểu đúng lập luận của ông, cần nắm được cái nhìn tổng thể về truyền thông mà ông đưa ra.

Thời đại của “giải trí trình diễn”

Postman là nhân vật quan trọng trong việc phát triển ngành sinh thái truyền thông tức nghiên cứu về môi trường truyền thông. Lập luận cốt lõi là: con người và các công cụ giao tiếp không tồn tại độc lập mà ảnh hưởng lẫn nhau, tạo thành hệ thống phức tạp. Giống như các sinh vật trong một hệ sinh thái, con người và công cụ giao tiếp tương tác, hình thành vai trò và cấu trúc nhất định. Nhiệm vụ của các học giả như Postman là làm cho những điều kiện ngầm này trở nên rõ ràng.

Với cái nhìn đó, Postman tin rằng phương tiện truyền thông hiện có của một nền văn hóa sẽ định hình mối quan tâm trí thức và xã hội của nền văn hóa ấy. Từ đây, ông nhận ra truyền hình ngày càng chiếm vị trí trung tâm trong văn hóa Mỹ, và lo ngại trước việc thông tin ngày càng bị thương mại hóa, giải trí len lỏi vào đời sống công cộng.

Bên cạnh chính trị, Postman cũng cảnh báo về tôn giáo. Theo ông, tôn giáo cũng không an toàn trước thời đại giải trí. Truyền hình trình bày tôn giáo giống như thời sự hay chính trị như một hình thức giải trí.

Năm 1985, hình ảnh điển hình của hiện tượng này là các televangelist (người rao giảng Tin Mừng trên truyền hình). Giống như báo chí truyền thống dần mất đi tính kỷ luật, thì tôn giáo trên truyền hình dần bị thay thế bằng tính hấp dẫn và dễ tiếp cận. Ông cảnh báo: “Nguy hiểm không phải là tôn giáo trở thành nội dung của chương trình truyền hình, mà là chương trình truyền hình trở thành nội dung của tôn giáo.”

Theo Postman, hình thức truyền thông là thông điệp một quan điểm chia sẻ với Marshall McLuhan. Ông lo ngại rằng bí nhiệm, biểu tượng và tính siêu việt của đức tin sẽ bị làm mờ nhạt trong cách trình bày dễ tiếp cận và gói gọn của truyền hình.

Bục giảng của mạng xã hội

Ngày nay, trong thời đại của bài đăng được chọn lọc và khoảnh khắc lan truyền, Tin Mừng đã tìm được một bục giảng mới. Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội mở ra nhiều cơ hội kết nối, đặc biệt với những người xa rời Giáo hội. Nhưng khi các tín hữu Công giáo bước vào vai trò “người ảnh hưởng” để rao giảng Tin Mừng, cần xem xét kỹ lưỡng phân tích của Postman.

Áp lực mà các nhà rao giảng trên truyền hình từng đối mặt để tăng khán giả, giờ đây càng nghiêm trọng hơn. Các nền tảng mạng xã hội được điều hành bằng các thuật toán không trung lập. “Thành công” được đo bằng lượng tương tác, và những hành vi hoặc nội dung nhất định sẽ được ưu tiên hiển thị. Cần đặt câu hỏi: liệu mức độ tương tác có phải là thước đo hiệu quả cho việc loan báo Tin Mừng?

Vấn đề không nằm ở sự tương tác, mà là ở cách người ảnh hưởng Công giáo điều chỉnh nội dung để đáp ứng thuật toán một cách có ý thức hoặc vô thức. Nhiều khi, chúng ta lầm lẫn việc hoán cải tâm hồn với việc tăng lượt thích và người theo dõi.

Postman không kết án cá nhân các nhà truyền giáo, cũng như tác giả bài viết này không chỉ trích người ảnh hưởng Công giáo. Cả hai đều cho rằng: vấn đề không phải ở con người, mà ở công cụ truyền thông mà họ sử dụng. Và trong trường hợp mạng xã hội, những công cụ ấy có xu hướng khuếch đại nội dung kích động, chia rẽ hoặc giật gân trái ngược với tinh thần của Tin Mừng.

Chúng ta cần đặt câu hỏi: Mạng xã hội mà chúng ta đang xây dựng phản ánh giá trị của Tin Mừng hay của nền tảng? Những tiêu chí đo lường thành công trên mạng nhiều khi trái ngược với yêu cầu của đời sống môn đệ. Người Công giáo cần tỉnh táo để không trở thành một phần của xu hướng ấy.

Để kết, có lẽ lời nhắc của Postman nên vang vọng trong lương tâm của mỗi người loan báo Tin Mừng trên không gian mạng:

“Dù danh Ngài được nhắc đi nhắc lại, nhưng hình ảnh cụ thể và liên tục của người giảng thuyết mang một thông điệp rõ ràng: chính ông, chứ không phải Ngài, mới là người được tôn thờ.”

Dịch theo bài báo: “Catholic influencers have a media theory (and evangelization) problem” của Noah Banasiewicz, S.J., đăng trên America Magazine ngày 14 tháng 7 năm 2025:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *