Trả lời câu hỏi vì sao Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức được các Đức Giáo hoàng thường xuyên nhắc đến như một sự ràng buộc chặt chẽ giữa giáo dân và trách nhiệm trong Hội Thánh. Cha Giuse Phạm Quốc Văn khẳng định rằng Bí tích Rửa tội chính là nền tảng căn bản của đời sống Kitô hữu. Ngay từ khi đón nhận Bí tích Rửa tội, mỗi người đã được thánh hiến và trở thành con cái của Thiên Chúa. Đây là điều làm cho mọi tín hữu, dù là giáo dân hay giáo sĩ, đều có trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển Hội thánh. Cha nói: “Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta không chỉ được gia nhập vào Hội thánh mà còn được trao quyền và trách nhiệm tham gia vào đời sống của Giáo hội. Đây là sự ràng buộc thiêng liêng mà không ai có thể tước đoạt.”
Bí tích Thêm sức tiếp tục củng cố sự ràng buộc này, làm cho tín hữu trưởng thành hơn trong đời sống đức tin và sẵn sàng dấn thân mạnh mẽ hơn vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Cha giải thích: “Bí tích Thêm sức là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành trong đời sống Kitô hữu. Khi đón nhận Hồng ân của Chúa Thánh Thần, mỗi người tín hữu được kêu gọi trở thành ‘chiến sĩ của Đức Kitô’, sẵn sàng làm chứng cho đức tin bằng đời sống và hành động của mình.”
Cha cũng nhấn mạnh rằng các Đức Giáo hoàng thường nhắc đến Bí tích Rửa tội và Thêm sức vì đó là căn cốt của đời sống và trách nhiệm của người giáo dân. Hai bí tích này không chỉ trao cho giáo dân ơn gọi trở nên thánh, mà còn giao phó cho họ sứ mạng truyền giáo và đóng góp vào đời sống của Hội thánh. Cha nhấn mạnh: “Chính từ Bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta được trao quyền làm con cái Chúa, đồng thời có trách nhiệm trở thành những người bảo vệ và truyền bá đức tin cho cộng đồng xung quanh.”
Vì vậy, Bí tích Rửa tội và Thêm sức không chỉ mang ý nghĩa cá nhân, mà còn ràng buộc giáo dân với trách nhiệm chung trong việc xây dựng Hội thánh, sống đời sống đức tin, và đóng góp vào công cuộc loan báo Tin Mừng.
- A Bình An – EMC tường thuật lại nội dung trong video
Xem đầy đủ nội dung video tại đây