Bên dưới Núi Ðền thuộc cổ thành Giêrusalem, một nhà nguyện nhỏ bé luôn nằm lặng lẽ ở đó bao nhiêu thế kỷ qua. Nơi đây được gọi là “Cái nôi của Chúa Giêsu”.
“Cái nôi của Chúa Giêsu” là hốc nhỏ làm bằng đá cẩm thạch ở giữa cầu thang gác bên trong một căn phòng được gọi là Phòng Ðức Mẹ Ðồng Trinh Maria hoặc nhà nguyện Ðức Bà. Căn phòng này nằm ở góc đông nam của Núi Ðền. Tương truyền, Ðức Mẹ đã đặt Chúa Hài Ðồng, lúc đó mới 40 ngày tuổi, vào cái hốc trong dịp dâng Hài Nhi lên Thiên Chúa trong Ðền Thánh. Một tài liệu khác thì nêu cách lý giải thứ hai: Bên dưới căn phòng là hầm, nơi từng đặt chiếc nôi bằng gỗ của Chúa Hài Ðồng.
Một khối đá duy nhất
“Cái nôi” nằm bên trong căn phòng hình chữ nhật, kích thước 4,40 x 7,40 m, hiện là điểm cầu nguyện của người Hồi giáo. Có một cái hốc khác trên bức tường phía đông, nhưng đã được mở ra và trở thành cửa sổ. Các hầm trong phòng xuất hiện sau này và được làm từ những tảng đá nhỏ. Bên trên “nôi” là một mái vòm với 4 cột đá cẩm thạch, được người đời sau dựng lên sau khi biết Chúa Hài Ðồng từng nằm ở đây. Và trên hết, “cái nôi” nằm bên trong ngôi đền có mái che, được xây theo kiến trúc La Mã hoặc Byzantine và hình thành từ một khối đá duy nhất.
Tài liệu sớm nhất từng đề cập đến ngôi đền là cổ thư của một số tôn giáo, có niên đại vào thế kỷ thứ 10, và tiếp tục được lưu truyền đến thời của các đoàn quân Thập Tự chinh. Nhiều tác giả Hồi giáo đã viết về “Cái nôi của Chúa Giêsu”. Trong đó, tác giả Abad Rabia vào năm 913 ghi nhận: “Tại Núi Ðền có một nơi được đặt tên theo Ðức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, chứa những cái hốc mà các thiên thần đã tạo ra để bảo quản trái cây mùa đông vào giai đoạn mùa hè và cây trái mùa hè trong lúc mùa đông đến”.
Nhà sử học nổi tiếng vào thế kỷ 15 Mujir al-Din, người có công ghi lại lịch sử Giêrusalem và Hebron vào thời Trung Cổ, đã bổ sung những chi tiết quan trọng về công trình cổ này. “Bên dưới nơi được biết đến với cái tên ‘Hốc của Sự hiểu biết’ là một đền thờ được đặt tên ‘Cái nôi của Chúa Giêsu’. Bên trong là căn phòng của Ðức Maria và nơi Mẹ cầu nguyện. Nhiều người hành hương đã đến nơi này cầu nguyện và họ đều được đáp lại”, theo sử gia Al-Din.
Kiến trúc
Như đã đề cập ở trên, bên trên “nôi” là một mái vòm làm bằng gỗ, được chống trên 4 cột bằng đá cẩm thạch và nhiều khả năng được lắp đặt vào thời Suleiman Ðại đế, vị vua Hồi giáo có thời gian trị vì dài nhất của đế quốc Ottoman. Mái vòm được trang trí lộng lẫy với các họa tiết hoa văn và phủ sơn xanh. Còn cái nôi bằng đá cẩm thạch bên dưới được cho là có từ thời đầu Byzantine. Nó có hình vòng cung và các mép được gia cố để thành hình chiếc vỏ sò.
Theo cách lý giải đầu tiên, Ðức Mẹ đặt Chúa Hài đồng, mới 40 ngày tuổi, vào cái hốc trong dịp cùng thánh Giuse dâng con lên đền thánh, như lời kể trong Phúc Âm thánh Luca: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa’, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non”. Ðể đến được căn phòng của Ðức Mẹ Maria, người hành hương phải đi lên một cầu thang uốn khúc gồm 32 bậc ở góc đông nam của đền thờ el-Marwani.
Ngày nay, căn phòng có 2 cửa sổ ở phía đông và một cửa sổ ở phía nam, làm bằng kính mờ, nhìn xuống thung lũng Kidron. Ðể đi vào nơi này, người hành hương có thể đi qua chiếc cổng lưới ở bức tường phía tây. Và tất cả các họa tiết trang trí cũng như kiến trúc tại khu vực đều liên quan đến giai đoạn Byzantine.
Trong một ghi chép khác, “gần đền thờ, ở phần đông của bức tường thành cổ là nơi ở của Simêôn – người công chính. Ông Simêôn đã đón tiếp Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng trong sự hoan hỉ và mời Ðức Mẹ bữa ăn. Lúc đó là vào ban đêm, sau khi Chúa Giêsu được 40 ngày tuổi”.
LING LANG báo CG&DT