Thưa cha, việc phụ nữ không được làm phó tế và lãnh nhận Thánh Chức linh mục là nguyên nhân dẫn đến một số phong trào cho rằng Giáo hội phân biệt giới tính. Giáo hội dựa vào căn cứ nào để xác quyết rằng chức thánh chỉ dành cho đàn ông ạ?
Linh mục Giuse Phạm Quốc Văn: Trước khi trả lời cụ thể về câu hỏi này, tôi muốn nhắc lại quan niệm về sự công bằng. Trong một gia đình, người cha được phân nhiệm khác, người mẹ cũng có những nhiệm vụ riêng, và đó là điều tự nhiên, không thể thay thế được. Ngay cả trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, Ngài đã không bao giờ cho người đàn ông có khả năng mang thai. Dù người đàn ông có thương yêu vợ mình đến mấy, anh ta cũng không thể mang nặng đẻ đau thay cho vợ được. Điều này là hiển nhiên và thuộc về bản chất tự nhiên. Sự công bằng không có nghĩa là cào bằng.
Giả sử một người vợ nói với chồng rằng: “Em sinh đứa con đầu tiên, còn đứa thứ hai thì đến lượt anh sinh,” thì rõ ràng là điều đó không thể xảy ra. Mỗi người có vai trò riêng biệt của mình. Thiên chức làm mẹ và làm cha đều cao quý, nhưng khác nhau về bản chất và chức năng. Sự công bằng nằm ở chỗ mỗi người đảm nhận vai trò mà Thiên Chúa đã trao phó, chứ không phải là tất cả đều phải làm giống nhau.
Bây giờ chúng ta quay lại câu hỏi về việc phong chức thánh cho phụ nữ. Trong hơn 2000 năm lịch sử của Giáo hội, chưa từng có việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Điều này có thể khiến nhiều người cho rằng Giáo hội Công giáo đang đi ngược lại với xu thế bình đẳng giới trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng Giáo hội không có quyền làm khác những gì Chúa Giêsu đã thiết lập. Giáo hội luôn sống theo tính cách tông truyền, trung thành với những gì Chúa Giêsu đã thực hiện và truyền lại cho các tông đồ.
Chúng ta biết rằng, Đức Maria là người phụ nữ thánh thiện và hoàn hảo nhất trong lịch sử cứu độ, được chọn để sinh hạ Con Thiên Chúa. Mẹ là đấng đầy tràn ơn sủng và nhân đức, nhưng Mẹ không được phong chức linh mục. Đức Giêsu cũng không chọn bất kỳ người phụ nữ nào làm tông đồ, dù có nhiều phụ nữ theo Ngài và phục vụ Ngài bằng cả của cải và tâm huyết. Ngài chỉ chọn 12 người đàn ông làm tông đồ.
Khi Giuđa phản bội và tự vẫn, các tông đồ còn lại chỉ có 11 người. Họ đã họp nhau cầu nguyện và chọn ông Mathia, cũng là một người đàn ông, để thay thế Giuđa. Điều này cho thấy rằng từ thuở ban đầu, Chúa Giêsu đã chọn nam giới để đảm nhiệm chức vụ tông đồ và thừa tác viên của Giáo hội. Giáo hội là ai mà có thể làm khác với giáo huấn và sự lựa chọn của chính Chúa Giêsu?
Giáo luật cũng quy định rõ rằng, một người để được chịu chức thánh phải là một người đàn ông đã được rửa tội. Đây là tiêu chuẩn căn bản trong Giáo hội Công giáo. Điều đó không có nghĩa là Giáo hội coi thường phụ nữ hay đánh giá thấp vai trò của họ, nhưng chức năng linh mục và thừa tác là điều mà Chúa Giêsu đã trao cho nam giới.
Đức Giáo hoàng Phanxicô gần đây cũng đã trả lời một cách dứt khoát rằng không có chuyện phong chức thánh cho nữ giới, kể cả chức phó tế. Dù đã có những nghiên cứu về chức phó tế nữ trong Giáo hội, và có những thảo luận về việc này trong các Hội đồng Giám mục, nhưng truyền thống của Giáo hội vẫn giữ vững rằng chức thánh chỉ dành cho đàn ông. Đây là một phần của tính tông truyền mà Giáo hội Công giáo luôn duy trì.
Việc phụ nữ không được làm linh mục hay phó tế không có nghĩa là họ bị coi thường hay hạn chế vai trò. Đức Maria, dù không phải là linh mục, vẫn là Mẹ của các linh mục, và Mẹ chuyển cầu cho các linh mục. Phẩm giá và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội rất cao quý, nhưng chức thánh là một trách nhiệm và ơn gọi mà Chúa Giêsu đã trao riêng cho nam giới.
Có một lý do lịch sử cụ thể cho việc không truyền chức thánh cho phụ nữ, mà chúng ta có thể xem xét từ việc cử hành Bí tích Rửa tội thời xa xưa. Trước đây, khi rửa tội, người ta không chỉ đổ nước lên đầu, mà phải dìm toàn thân vào giếng rửa tội. Điều này yêu cầu người thụ nhân phải cởi bỏ hết y phục trước khi được dìm xuống nước và sau đó mặc áo trắng tinh khiết. Trong những trường hợp rửa tội cho phụ nữ, các nữ trợ tá được chọn để đảm nhiệm công việc này thay cho nam giới, bởi vì những vấn đề về sự nhạy cảm và sự đứng đắn. Đây là một lý do cụ thể giải thích cho sự xuất hiện của các nữ trợ tá trong quá khứ.
Ngày nay, việc rửa tội chỉ cần đổ một ít nước lên đầu, và vai trò của các nữ trợ tá trong việc rửa tội cũng dần biến mất. Từ đó, chúng ta thấy rằng, ngoại trừ việc chịu chức thánh, không có vùng cấm nào khác cho phụ nữ trong Giáo hội. Các vai trò khác vẫn có thể được đảm nhiệm bởi phụ nữ, và Giáo hội rất cần sự tham gia của nữ giới để giúp làm cho Hội Thánh trở nên sinh động hơn.
Trích Ơn Gọi và Vai Trò Của Nữ Giới Trong Đời Sống Giáo Hội