spot_img

Kinh Thánh là nền tảng của đức tin Công giáo

Người ta thường hỏi liệu mọi điều mà người Công giáo tin có được tìm thấy trong Kinh Thánh hay không. Câu trả lời là: vừa “có” vừa “không”. Giáo hội “không chỉ dựa vào Kinh Thánh để có được sự chắc chắn về tất cả các chân lý đã được mạc khải” (Giáo lý của Giáo hội Công giáo [GLCG] số 82, Dei Verbum 9). Chúa Giêsu là nguồn gốc tối thượng của mọi điều mà người Công giáo tin, vì Người đã mạc khải kế hoạch của Thiên Chúa nhằm cứu thế giới khỏi tội lỗi và bày tỏ tình yêu của Chúa Cha. Chúa Giêsu làm điều này vì Người là Con Thiên Chúa. Người luôn hiệp nhất với Chúa Cha và do đó, là sự viên mãn của cả Mạc khải.

Sứ vụ của Chúa Giêsu tiếp tục qua thừa tác vụ của Giáo hội mà Người đã sáng lập, và Người đã ban cho Giáo hội ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần để hướng dẫn trong mọi sự. Mạc khải của Chúa Giêsu được mở rộng đến các Tông đồ và được truyền lại qua hai phương tiện: Thánh Kinh và Truyền thống.

Thánh Kinh là Lời được linh hứng của Thiên Chúa, là tập hợp các sách thánh truyền tải chân lý của Mạc khải dưới dạng văn bản.

Truyền thống, theo cách hiểu của Giáo hội, không chỉ là một tập hợp các thói quen hay tập quán được tôn vinh qua thời gian. Nó bao gồm cả việc giảng dạy, đời sống và thờ phượng của Giáo hội. Truyền thống tông đồ sống động làm nổi bật sự kiện rằng các Tông đồ đã nhận được lời nói và hành động của Chúa Giêsu, Đấng đã trao quyền giảng dạy nhân danh Người. “Truyền thống truyền tải toàn bộ Lời của Thiên Chúa đã được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ủy thác cho các tông đồ” (GLCG số 81; Dei Verbum 9).

Kinh Thánh mạc khải rằng Thiên Chúa đã hoàn thành kế hoạch cứu độ của tình yêu để giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi. Đỉnh cao của toàn bộ Kinh Thánh là lời nói và hành động của Chúa Giêsu, đặc biệt là cuộc Khổ Nạn, cái chết và sự Phục Sinh vinh quang của Người.

Những niềm tin của người Công giáo được tìm thấy trong Kinh Thánh theo hai cách: rõ ràng và ẩn ý. Một số giáo lý của Giáo hội Công giáo được tìm thấy rõ ràng trong Kinh Thánh. Ví dụ, việc Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, rằng Người đã gọi mười hai Tông đồ đi theo mình, rằng Người đã chữa lành, tha tội, loan báo Nước Thiên Chúa hiện diện nơi Người, và rằng Người đã chịu khổ hình, chết và sống lại vì tội lỗi chúng ta, đều rất rõ ràng trong Kinh Thánh. Chúa Thánh Thần làm sáng tỏ ý nghĩa đầy đủ của những sự kiện này trong và qua Giáo hội, và làm cho quyền năng của những sự kiện này trở nên hiệu quả trong suốt lịch sử và trong cuộc sống của chúng ta ngày nay.

Một số niềm tin khác thì ẩn sâu hơn. Tình yêu thích giấu những bí mật, để khi chúng ta tìm thấy chúng, chúng ta sẽ càng ngây ngất trước vẻ đẹp của chúng. Mầu nhiệm của Chúa Giêsu sâu thẳm đến mức đôi khi bạn phải nhìn kỹ để thấy hết mọi khía cạnh mà Người đã mạc khải. Chúa Thánh Thần đã ẩn giấu một số chiều kích của sứ vụ của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh. Các chân lý đức tin được Truyền thống làm rõ thông qua Huấn quyền, cơ quan giảng dạy chính thức của Giáo hội. Những chân lý này không bao giờ mâu thuẫn với Lời Chúa trong Kinh Thánh, mà giúp diễn đạt rõ ràng hơn sự thật của nó.

Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tìm và diễn đạt những mầu nhiệm này. Giáo lý về Ba Ngôi, tức là, có ba Ngôi trong một Thiên Chúa, được tìm thấy trong Kinh Thánh qua nhiều trường hợp khi Chúa Giêsu nói về mối quan hệ của Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Những thuật ngữ mà Giáo hội cần để diễn đạt mầu nhiệm này đã được ban cho Giáo hội trong nhiều trăm năm bởi chính Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng các tác giả Tin Mừng khi họ viết về những lời của Chúa Giêsu tiết lộ mầu nhiệm ngay từ đầu. Các giáo lý của Giáo hội về Đức Mẹ, các thánh, vai trò của các nhân đức và sự thánh thiện được tìm thấy trong Kinh Thánh một cách ẩn ý ở những mức độ khác nhau.


Đức Ông Brian Bransfield là Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB) và từng là Giám đốc điều hành của Văn phòng Loan báo Tin Mừng và Giáo lý.

A An Bình dịch từ website HĐGM Hoa Kỳ

spot_imgspot_img
spot_img

BÀI MỚI

XEM THÊM