spot_img

Lời Chúa Ngày 21/04/2024: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (Ga 10,11-18) – Mục tử nhân lành

“Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha,
và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. (Ga 10,15)

BÀI ĐỌC I: Cv 4, 8-12

“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Đá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29

Đáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. – Đáp.

2) Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Đấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Đáp.

3) Phúc đức cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 3, 1-2

“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.    

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Ga 10, 11-18

11 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy.

Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành.

Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

16 Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.

17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.

Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 4 Phục sinh năm B

Đức Phanxicô, Bài giảng trong lễ phong chức linh mục ngày 25.04.2021 – Linh mục gần gũi

Anh chị em thân mến,

Những người con em này của chúng ta được kêu gọi trở thành linh mục. Chúng ta hãy suy tư một cách cẩn thận về thừa tác vụ mà họ sẽ được nâng lên trong Giáo hội. Như anh chị em đã biết, trong Tân Ước, chỉ có Chúa Giêsu là Thượng tế duy nhất; nhưng trong Người tất cả dân thánh Chúa được thiết lập trở thành dân tư tế. Tuy nhiên, trong số các môn đệ, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số người, để nhân danh Người họ thi hành cách công khai chức vụ tư tế trong Giáo hội vì mọi người. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, giờ đây chúng ta chuẩn bị nâng các anh em này của chúng ta lên hàng linh mục để phục vụ Chúa Kitô, là thầy, tư tế và mục tử. Họ sẽ cộng tác xây dựng thân mình Chúa Kitô là Giáo hội, trong dân Chúa và đền thánh của Thánh Thần.

Linh mục không phải là một nghề, nhưng là một sự phục vụ

Còn với các con, những người con rất yêu dấu, các con chuẩn bị được tiến lên chức linh mục, các con hãy suy nghĩ đến việc thi hành thừa tác vụ giảng dạy thánh thiêng, các con sẽ tham gia vào sứ vụ của Chúa Kitô, vị Thầy duy nhất. Như Người, các con là những vị mục tử, và đây là điều Chúa muốn. Những vị mục tử của dân thánh trung tín của Chúa. Những vị mục tử đi với dân Chúa: có những lúc đi trước, ở giữa và sau đàn chiên, nhưng luôn ở với chiên, với dân Chúa.

Ơn gọi linh mục không phải là một nghề nghiệp, đó là một sự phục vụ, một sự phục vụ như chính Chúa đã làm cho dân Người. Vì vậy các linh mục phải học cách phục vụ dân như Chúa. Đó là sự gần gũi, thấu hiểu và dịu dàng.

Gần gũi với Chúa

Trước hết là sự gần gũi với Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong các bí tích, trong Thánh lễ. Thưa chuyện với Chúa, ở gần bên Chúa. Trong Người, Con Thiên Chúa đã đến gần chúng ta. Tất cả lịch sử của Người Con: Chúa cũng gần gũi với các con, với mỗi người trong các con, trong hành trình cuộc sống của các con cho đến giây phút này. Ngay cả trong những giây phút đen tối của tội lỗi, Người ở đó. Hãy gần gũi với dân thánh trung tín của Chúa. Nhưng trước hết, hãy gần gũi với Thiên Chúa, bằng cầu nguyện. Một linh mục không cầu nguyện dần dần ngọn lửa Thánh Linh bên trong sẽ bị dập tắt.

Gần gũi với Giám mục

Sự gần gũi thứ hai là gần gũi với Giám mục. Các con hãy gần gũi với Giám mục. Bởi vì trong Giám mục, các con có sự hiệp nhất. Các con không phải là tôi tớ nhưng là những người cộng tác với Giám mục. Cha nhớ có một lần, cách đây rất lâu, một linh mục đã gặp điều không may. Và điều đầu tiên cha nghĩ đến là gọi cho Giám mục. Ngay cả trong những lúc tồi tệ, hãy gọi Giám mục để ở gần ngài. Hãy gần gũi với Chúa trong cầu nguyện, và gần gũi với Giám mục. Mặc dù không thích Giám mục, nhưng Giám mục là cha của các con. Nhưng các con có thể nói Giám mục đối xử với tôi rất tệ! Hãy khiêm tốn, hãy đến với Giám mục”.

Gần gũi với các linh mục khác

Thứ ba là sự gần gũi giữa các con với nhau. Cha đề nghị một điều này: Đừng bao giờ nói xấu một người anh em linh mục. Nếu các con có điều gì đó không thuận với người khác. Hãy đến với người đó và nói trực tiếp. Nếu không biết phải nói thế nào, hãy đến với Giám mục, ngài sẽ giúp các con. Nhưng đừng bao giờ, đừng bao giờ nói xấu. Sự hiệp nhất giữa các con: trong linh mục đoàn, trong các ủy ban, trong công việc: hãy có sự gần gũi giữa các con và với Giám mục”.

Gần gũi với dân Chúa

Và thứ tư đối với cha, sau Chúa, sự gần gũi quan trọng nhất là với dân thánh trung thành của Chúa. Không ai trong các con học để trở thành linh mục. Các con đã nghiên cứu các môn khoa học Giáo hội, điều mà Giáo hội nói phải được thực hiện. Nhưng các con đã được chọn từ dân Chúa, Đừng quên nơi mà từ đó các con đã đến: gia đình, dân tộc các con. Đừng đánh mất ý thức về dân Chúa. Thánh Phaolô nói với Timôthê: Hãy nhớ đến mẹ và bà của con… Và đó là dân của Chúa… Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái nói: Anh em hãy nhớ những người đã giới thiệu đức tin cho anh em. Các con là linh mục của dân, các con không phải giáo sĩ của nhà nước!

Lòng trắc ẩn và dịu dàng

Bốn sự gần gũi của linh mục: gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với giám mục, gần gũi với nhau, gần gũi với dân Chúa. Phong cách gần gũi là phong cách của Thiên Chúa. Nhưng phong cách của Thiên Chúa cũng là phong cách của lòng trắc ẩn và dịu dàng. Đừng đóng cửa trái tim của các con với các vấn đề. Và các con sẽ thấy rất nhiều vấn đề! Khi mọi người đến kể cho các con nghe vấn đề của họ và tìm kiếm sự hỗ trợ… Hãy dành thời gian để lắng nghe và an ủi. Lòng trắc ẩn dẫn các con đến sự tha thứ, lòng thương xót. Xin hãy thương xót, hãy “tha thứ”! Bởi vì Thiên Chúa tha thứ mọi sự, Ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ, chính chúng ta mới mệt mỏi cầu xin sự tha thứ. Sự gần gũi và tình thương. Nhưng một lòng trắc ẩn dịu dàng, với sự dịu dàng của gia đình, của anh em, của người cha… với sự dịu dàng này khiến các con cảm thấy như đang ở trong nhà của Chúa.

Hãy tránh xa phù vân

Hãy tránh xa sự phù vân hư ảo, niềm kiêu hãnh của tiền bạc. Đừng để ma quỷ bước vào túi của các con. Các con hãy sống nghèo, như dân thánh của Chúa. Đừng bao giờ trở thành những viên chức trong Giáo hội. Một khi linh mục thi hành sứ vụ như một viên chức nhà nước, trong giáo xứ, nơi trường học và ở bất cứ nơi đâu, linh mục sẽ mất đi sự gần gũi với mọi người, đánh mất đức khó nghèo là nhân đức làm cho linh mục giống với Chúa Kitô nghèo khó và bị đóng đinh, rồi trở thành doanh nhân, linh mục doanh nhân chứ không phải người phục vụ. Tôi đã nghe một câu chuyện khiến tôi cảm động. Một linh mục rất thông minh, rất thực tế, rất có năng lực, người nắm trong tay trách nhiệm hành chính lớn lao, nhưng tâm hồn của ngài lại quá gắn bó với văn phòng này. Một ngày nọ, ngài thấy một nhân viên của mình, một ông già, đã mắc lỗi nên khiển trách và đuổi việc ông ta. Và ông già này đã chết vì điều đó. Dù được thụ phong linh mục, nhưng cuối cùng vị linh mục này trở thành một doanh nhân tàn nhẫn. Chúng ta luôn thấy những hình ảnh linh mục như vậy!

Các linh mục cần gần gũi với Thiên Chúa, với giám mục, với nhau và với dân Chúa. Linh mục là tôi tớ phục vụ như mục tử chớ không phải như doanh nhân. Hãy tránh xa tiền bạc! Hãy tìm kiếm niềm an ủi nơi Chúa Giêsu, tìm niềm an ủi nơi Đức Maria – đừng quên Mẹ – hãy luôn tìm kiếm niềm an ủi ở đó: hãy được an ủi từ đó. Và hãy trao thánh giá đau khổ của các con vào tay Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Và đừng sợ, đừng sợ! Nếu các con gần gũi với Chúa, với vị giám mục, với nhau và với dân Chúa, nếu các con có phong cách của Chúa – gần gũi, nhân hậu và dịu dàng – thì đừng sợ, mọi việc sẽ ổn thôi!

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 25.04.2021 – Chúa Giêsu bảo vệ, biết và yêu thương mỗi người

Anh chị em thân mến,

Vào Chúa nhật thứ IV Phục sinh này, được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, Tin Mừng (Ga 10:11-18) trình bày Chúa Giêsu là mục tử đích thực, Đấng bảo vệ, biết và yêu thương đàn chiên của mình.

“Người làm thuê”, người không quan tâm đến đàn chiên vì chúng không phải của anh ta, là kẻ đối lập với vị Mục Tử Nhân Lành. Anh ta làm công việc chỉ để được trả lương và không quan tâm đến việc bảo vệ đàn chiên: khi một con sói đến, anh ta bỏ chạy và bỏ rơi đàn chiên (x. câu 12-13). Thay vào đó, Chúa Giêsu, vị mục tử đích thực, luôn bảo vệ chúng ta và cứu chúng ta trong rất nhiều tình huống khó khăn, những tình huống nguy hiểm qua ánh sáng của lời Ngài và sức mạnh của sự hiện diện của Ngài mà chúng ta luôn cảm nghiệm được nếu chúng ta muốn lắng nghe mỗi ngày.

Khía cạnh thứ hai là Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, biết – khía cạnh thứ nhất: bảo vệ; thứ hai: Ngài biết chiên của mình và chiên biết Ngài (c. 14). Thật tốt đẹp và an ủi biết bao khi biết rằng Chúa Giêsu biết từng người một trong chúng ta, chúng ta không xa lạ với Ngài, rằng tên của chúng ta được Ngài biết đến! Đối với Ngài, chúng ta không phải là một “đại chúng”, một “vô số”. Chúng ta là những cá thể độc đáo, mỗi người có câu chuyện của riêng mình, Ngài biết mỗi người chúng ta với câu chuyện của riêng mình, mỗi người có giá trị riêng, vừa là thụ tạo vừa là con người được Chúa Kitô cứu chuộc. Mỗi người chúng ta có thể nói: Chúa Giêsu biết tôi! Đó là sự thật, điều này như là: Ngài biết rõ chúng ta hơn bất kỳ ai biết chúng ta. Chỉ có Ngài mới biết những gì trong lòng chúng ta, những ý định, những cảm xúc thầm kín nhất của chúng ta. Chúa Giêsu biết những ưu điểm cũng như khuyết điểm của chúng ta, và luôn sẵn sàng chăm sóc chúng ta, chữa lành những vết thương do lỗi lầm của chúng ta bằng lòng thương xót dồi dào của Ngài. Nơi Ngài, hình ảnh các vị tiên tri đã cung cấp về vị mục tử của Dân Chúa được thành toàn cách trọn vẹn: Chúa Giêsu quan tâm đến đoàn chiên của mình, Ngài tập hợp chúng lại, Ngài băng bó vết thương cho chúng, Ngài chữa lành bệnh tật cho chúng. Chúng ta có thể đọc điều này trong Sách Tiên tri Ezekiel (x. Ez 34:11-16).

Vì thế, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành bảo vệ, biết và trên hết yêu thương đàn chiên của mình. Và đây là lý do tại sao Người hiến mạng sống vì đàn chiên (x. Ga 10,15). Tình yêu dành cho đàn chiên của Người, nghĩa là dành cho mỗi người chúng ta, dẫn đến việc Người chết trên thập giá vì đây là ý muốn của Chúa Cha – không ai bị hư mất. Tình yêu của Đức Kitô không có tính chọn lọc; tình yêu ấy ôm lấy tất cả mọi người. Chính Ngài nhắc nhở chúng ta điều này trong Tin Mừng hôm nay khi Ngài nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Những lời này chứng tỏ mối quan tâm phổ quát của Ngài: Ngài là mục tử của mọi người. Chúa Giêsu muốn mọi người có thể đón nhận tình yêu của Chúa Cha và gặp gỡ Thiên Chúa.

Và Giáo Hội được kêu gọi thực hiện sứ mạng này của Chúa Kitô. Ngoài những người tham gia vào cộng đoàn của chúng ta, còn có rất nhiều người, phần lớn, chỉ tham gia vào những thời điểm cụ thể hoặc không bao giờ. Nhưng điều này không có nghĩa là họ không phải là con cái Thiên Chúa: Chúa Cha phó thác mọi người cho Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã hiến mạng sống mình cho mọi người.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu bảo vệ, biết và yêu thương tất cả chúng ta. Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta trở thành những người đầu tiên chào đón và đi theo Vị Mục Tử Nhân Lành, vui vẻ cộng tác vào sứ mạng của Ngài.

Nguồn: WHĐ (25.04.2021)

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 22.04.2018 – Chúa Giêsu là vị mục tử chữa lành chúng ta

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ Chúa Nhật thứ tư mùa Phục Sinh tiếp tục giúp chúng ta tái khám phá ra căn tính của chúng ta là môn đệ của Chúa Phục Sinh. Trong sách Công Vụ các Tông Đồ thánh Phêrô công khai tuyên bố rằng việc chữa lành người què do ngài thực hiện và cả thành Giêrusalem nói tới, đã xảy ra là do nhân danh Chúa Giêsu, bởi vì “không có sự cứu rỗi nơi một ai khác” (4,12). Nơi người được khỏi đó có từng người trong chúng ta – người đó là hình ảnh của chúng ta: chúng ta tất cả đều ở đó – có các cộng đoàn của chúng ta: mỗi người có thể được lành khỏi biết bao nhiêu hình thức tật nguyền tinh thần mà mình có – tham vọng, lười biếng, kiêu căng – nếu chấp nhận đặt cuộc sống mình vào trong tay Chúa Phục Sinh với lòng tin tưởng. “Nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét – Phêrô khẳng định – chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (c. 10). Nhưng ai là Đấng Kitô chữa lành? Được Ngài chữa lành hệ tại điều gì? Ngài chữa chúng ta khỏi cái gì? Và qua các thái độ nào?

Câu trả lời cho các vấn nạn này chúng ta tìm thấy trong Phúc Âm hôm nay, trong đó Chúa Giêsu nói: “Ta là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành trao ban mạng sống mình cho chiên” (Ga 10,11). Việc tự giới thiệu này của Chúa Giêsu không thể bị giản lược thành một gợi ý cảm xúc, không có một hiệu quả cụ thể nào! Chúa Giêsu chữa lành qua sự kiện Ngài là mục tử trao ban sự sống. Khi ban cho chúng ta sự sống của Ngài, Chúa Giêsu nói với từng người: “mạng sống của con có giá trị  đối với Cha đến độ để cứu nó Cha cho con tất cả chính Cha”. Chính việc hiến dâng sự sống  của Ngài khiến cho Chúa Giêsu trở thành Mục Tử Nhân Lành một cách tuyệt diệu, Đấng chữa lành, Đấng cho phép chúng ta sống một cuộc sống xinh đẹp và phong phú.

Phần thứ hai của trang Phúc Âm nói với chúng ta Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng ta và có thể khiến cho cuộc sống chúng ta phong phú với các điều kiện nào: “Ta là mục tử nhân lành – Chúa nói – Ta biết các chiên của Ta và các chiên của Ta biết Ta, như  Cha biết Ta và Ta biết Cha” (cc. 14-15). Chúa Giêsu không nói tới một sự hiểu biết trí thức, không, nhưng một tương quan cá nhân, yêu dấu, hiền dịu với nhau, phản ánh chính tương quan thân thiết của tình yêu giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Đó là thái độ, qua đó được hiện thực tương quan sống động và cá nhân với Chúa Giêsu: chúng ta hãy để cho mình được Ngài biết. Đừng đóng kín trong chính mình, hãy rộng mở cho Chúa, vì Ngài biết tôi. Ngài chú ý đến từng người trong chúng ta, biết con tim của chúng ta trong sâu thẳm: Ngài biết các ưu điểm và các khuyết điểm của chúng ta, các dự định mà chúng ta đã thực hiện và các niềm hy vọng đã bị thất vọng. Nhưng Chúa chấp nhận chúng ta như chúng ta là, cả các tội lỗi của chúng ta nữa, để chữa lành chúng ta, để tha thứ cho chúng ta; Ngài hướng dẫn chúng ta với tình yêu thương để chúng ta có thể đi qua cả những con đường quanh co mà không lạc lối. Ngài đồng hành với chúng ta.

Đến lượt mình chúng ta được mời gọi biết Chúa Giêsu. Điều này bao gồm một cuộc gặp gỡ với Chúa, một cuộc gặp gỡ dấy lên ước muốn theo Ngài bằng cách từ bỏ các thái độ tự quy chiếu mình để bước đi trên các con đường mới, do chính Chúa Kitô chỉ cho và rộng mở cho các chân trời rộng rãi. Khi trong các cộng đoàn của chúng ta ước muốn sống tương quan với Chúa Giêsu, lắng nghe tiếng Ngài và trung thành theo Ngài bị nguội lạnh đi, thì không thể tránh được là các kiểu suy nghĩ và sống khác không trung thực với Tin Mừng chiến thắng. Xin Mẹ Maria, Mẹ chúng ta giúp chúng ta làm cho trưởng thành  một tương quan luôn ngày càng mạnh mẽ hơn với Chúa Giêsu. Hãy rộng mở cho Chúa Giêsu để Ngài bước vào trong chúng ta. Một tương quan mạnh mẽ hơn: Ngài đã phục sinh. Như thế chúng ta có thể theo Ngài suốt đời. Trong Ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi này xin Mẹ Maria bầu cử để có biết bao người quảng đại và kiên trì đáp trả lại lời Chúa mời gọi bỏ mọi sự vì Nước Ngài.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 26.04.2015 – Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên

Anh chị em thân mến,

Chúa Nhật thứ tư Mùa Phục Sinh, là Chúa Nhật hôm nay, cũng gọi là “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành”, hằng năm mời gọi chúng ta tái khám phá ra, với sự kinh ngạc ngày càng mới mẻ, định nghĩa mà Chúa Giêsu đã tự cho mình, khi đọc nó dưới ánh sáng cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. “Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11): các lời này đã được hiện thực một cách tràn đầy, khi Chúa Kitô tự do vâng phục ý muốn của Chúa Cha, đã tự hiến tế mình trên Thập Giá. Khi đó trở thành rõ ràng Người là “mục tử nhân lành” có nghĩa là gì: Người cống hiến sự sống mình như hiến tế cho chúng ta, cho tôi, cho anh, cho chị, cho tất cả chúng ta. Chính vì vậy Người là mục tử nhân lành.

Chúa Kitô là mục tử thật, là Đấng hiện thực mẫu gương cao nhất của tình yêu đối với đoàn chiên: Người tự ý hy sinh mạng sống mình, không ai lấy nó đi được, nhưng Người trao ban nó cho đoàn chiên. Công khai trái ngược với các kẻ chăn giả, Chúa Giêsu tự giới thiện như mục tử thật duy nhất của dân; mục tử gian ác chỉ nghĩ tới mình và khai thác chiên; mục tử nhân lành chỉ nghĩ tới chiên và tự trao ban chính mình.

Khác với kẻ chăn thuê, Chúa Kitô mục tử là một vị hướng dẫn sốt sắng chia sẻ cuộc sống của đoàn chiên, không tìm lợi lộc nào khác, không có tham vọng nào khác ngoài tham vọng dẫn dắt, dưỡng nuôi và che chở chiên. Và tất cả những điều đó Người làm với giá cao nhất, giá của hiến tế chính mạng sống mình.

Trong gương mặt của Chúa Giêsu mục tử nhân lành, chúng ta chiêm ngưỡng sự Quan Phòng của Thiên Chúa, sự ân cần hiền phụ của Người đối với từng người trong chúng ta. Người không để chúng ta cô đơn. Hiệu quả của việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Mục Tử thật và nhân lành là lời reo vang ngạc nhiên cảm động, mà chúng ta tìm thấy trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay: “Anh em hãy xem Thiên Chúa Cha đã yêu thương chúng ta chừng nào… “ (1 Ga 3,1). Anh chị em hãy coi Thiên Chúa Cha đã yêu thương chúng ta chừng nào!

Thật là một tình yêu gây kinh ngạc và mầu nhiệm, bởi vì khi ban Chúa Giêsu như Mục Tử hiến mạng sống mình cho chúng ta, Thiên Chúa Cha đã cho chúng ta tất cả những gì cao cả và quý báu nhất Ngài có thể ban cho chúng ta! Đó là tình yêu cao cả và tinh tuyền nhất, bởi vì nó không do một sự cần thiết nào, nó không bị điều kiện hóa bởi bất cứ tính toán nào, nó không bị lôi kéo bởi bất cứ ước muốn trao đổi lợi lộc nào. Trước tình yêu đó của Thiên Chúa chúng ta kinh nghiệm được một niềm vui mênh mông và rộng mở cho lòng biết ơn đối với những gì chúng ta đã nhận lãnh một cách nhưng không.

Tuy nhiên, chiêm ngưỡng và cảm tạ thôi không đủ. Cũng cần phải theo Mục Tử Nhân Lành nữa. Đặc biệt là những người có sứ mệnh hướng dẫn trong Giáo Hội – các linh mục, Giám Mục và Giáo Hoàng – được mời gọi nhận lấy không phải tâm thức của người quản trị, nhưng của nguời tôi tớ, noi gương Chúa Giêsu, là Đấng lột bỏ chính mình và đã cứu chuộc chúng ta với lòng thương xót của Người. Cũng được mời gọi có kiểu sống này các tân linh mục của giáo phận Roma mà tôi đã sung sưóng truyền chức cho sáng nay trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Và hai vị sẽ ra cửa sổ này để cám ơn và chào anh chị em.

Ước chi Mẹ Maria Rất Thánh xin cho tôi, cho các Giám Mục và các linh mục trên toàn thế giới được ơn phục vụ dân thánh Chúa qua việc tươi vui rao giảng Tin Mừng, sốt sắng cử hành các Bí Tich và kiên nhẫn dịu hiền trong hướng dẫn mục vụ.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng lễ phong chức linh mục ngày 29.04.2012 – Thầy là mục tử nhân lành

Anh chị em thân mến,

Truyền thống Rôma cử hành lễ truyền chức linh mục vào Chúa nhật thứ tư Phục sinh, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa gắn liền với sự hội tụ của Lời Chúa, Nghi thức phụng vụ và Mùa Phục sinh trong đó. Hình ảnh người mục tử nói riêng, rất quan trọng trong Kinh Thánh và đương nhiên rất phù hợp với định nghĩa về linh mục, có được sự thật trọn vẹn và rõ ràng nơi dung nhan Chúa Kitô, dưới ánh sáng Mầu nhiệm cái chết và sự Phục sinh của Người. Các con linh mục thân mến, các con cũng sẽ luôn có thể rút ra được từ những sự phong phú này mỗi ngày trong cuộc sống của mình, và chức linh mục của các con sẽ liên tục được đổi mới. Năm nay đoạn Phúc Âm là đoạn nòng cốt trong chương 10 của thánh Gioan và bắt đầu với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Thầy là mục tử nhân lành”.

Ngay sau đó là đặc tính cơ bản thứ nhất: “Người mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Ở đây chúng ta được dẫn ngay vào trung tâm, tột đỉnh mạc khải của Thiên Chúa như người chăn dắt dân Ngài; trung tâm và tột đỉnh ấy là Chúa Giêsu, chính Chúa Giêsu đã chết trên thập giá và ra khỏi mồ vào ngày thứ ba, Chúa sống lại với trọn nhân tính của Ngài, và qua cách thức đó, Ngài cũng đưa chúng ta, mỗi người chúng ta, vào trong tiến trình của Ngài từ cái chết đến sự sống. Biến cố ấy – là cuộc Vượt qua của Chúa Ktiô – trong đó có thể hiện trọn vẹn và chung kết hoạt động chăn dắt của Thiên Chúa, là một biến cố hy tế: vì thế Vị Mục Tử Nhân Lành và Vị Thượng Tế đồng qui trong con người của Chúa Giêsu Đấng đã hiến mình vì chúng ta”.

Nhưng chúng ta cũng hãy lưu ý vắn tắt hai Bài đọc đầu tiên và Thánh vịnh Đáp ca (Tv 118 [117]). Đoạn sách Công vụ Tông đồ (4:8-12) trình bày cho chúng ta chứng từ của Thánh Phêrô trước những người cai trị dân chúng và các kỳ lão ở Giêrusalem sau khi chữa lành một cách kỳ diệu người què. Thánh Phêrô nói một cách hết sức thẳng thắn: Chúa Giêsu “là hòn đá bị các ông thợ xây loại ra, nhưng lại trở thành đá góc”; và ông nói thêm: “chẳng có sự cứu độ trong đấng nào khác, vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (c. 11-12). Sau đó, dưới ánh sáng Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, Thánh Tông Đồ giải thích Thánh Vịnh 118 [117], trong đó người cầu nguyện dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã đáp lại tiếng kêu cứu của họ và đã cứu họ. Thánh Vịnh này nói: “Tảng đá bị thợ xây nhà loại bỏ Đã trở nên đá tảng góc tường. Đây là việc Chúa làm; nó thật kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118[117]:22-23). Chúa Giêsu đã sống chính kinh nghiệm này: bị những người lãnh đạo dân Ngài từ chối và được Thiên Chúa phục hồi, đặt làm viên đá nền tảng của một ngôi đền mới, của một dân tộc mới ca ngợi Chúa bằng hoa trái của công lý (x. Mt 21: 42-43). Do đó, Bài đọc thứ nhất và Thánh vịnh đáp ca, cũng là Thánh vịnh 118 [117], gợi lên một cách sống động bối cảnh vượt qua và, với hình ảnh hòn đá bị loại bỏ và được phục hồi, hãy hướng cái nhìn của chúng ta về Chúa Giêsu đã chết và Phục sinh.

Bài đọc thứ hai, từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan (3:1-2), nói với chúng ta thay vì kết quả của Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô: việc chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Theo lời của Thánh Gioan, anh chị em vẫn có thể nghe thấy sự ngạc nhiên tột độ của thánh nhân trước món quà này; chúng ta không những được gọi là con Thiên Chúa mà “chúng ta còn thật như vậy” (c. 1). Thật vậy, thân phận con thảo của con người là hoa trái của công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu. Với việc Nhập Thể, cái chết và sự Phục Sinh của mình, cũng như với hồng ân Chúa Thánh Thần, Người đã đưa con người vào một mối tương quan mới với Thiên Chúa, mối tương quan của chính họ với Chúa Cha. Vì lý do này Chúa Giêsu Phục Sinh đã nói: “Thầy lên cùng Cha Thầy và Cha anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy và là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20:17). Đó là một mối tương quan vốn đã hoàn toàn thực tế nhưng chưa hoàn toàn được mạc khải: cuối cùng – nếu Chúa đẹp lòng – chúng ta sẽ nhìn thấy dung nhan Người mà không che mặt (x. câu 7).

Các tiến chức thân mến, đây chính là nơi mà Mục Tử Nhân Lành muốn dẫn dắt chúng ta! Chính ở đây, linh mục được mời gọi dẫn dắt các tín hữu được giao phó cho ngài chăm sóc: đến sự sống đích thực, sự sống dồi dào (x. Ga 10,10). Vì vậy, chúng ta hãy trở lại với Tin Mừng và Dụ ngôn Người Mục Tử Nhân Lành. “Mục Tử Nhân Lành vì đoàn chiên hy sinh mạng sống mình” (Ga 10:11). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đặc tính thiết yếu này của người mục tử chân thực là chính Ngài: đặc tính ‘hiến mạng sống’. Chúa lập lại điều đó ba lần và sau cùng Ngài kết luận: “Chính vì thế, Cha yêu mến Thầy: vì Thầy hiến mạng sống, rồi Thầy lấy lại. Không ai tước đoạt mạng sống của Thầy: chính thầy hiến mạng sống. Thầy có quyền cho đi sự sống và có quyền lấy lại sự sống. Đó là mệnh lệnh mà Thầy đã nhận từ Cha Thầy” (Ga 10,17-18).

Hiển nhiên đó là đặc tính của người mục tử như Chúa Giêsu đích thân giải thích, theo ý Chúa Cha Đấng đã sai Ngài. Hình ảnh vị vua-mục tử chủ yếu bao gồm nghĩa vụ cai quản Dân Chúa, giữ cho dân được đoàn kết và hướng dẫn họ, tất cả chức năng của vị vua như thế được thể hiện hoàn toàn nơi Chúa Giêsu Kitô qua chiều kích hy tế, qua sự dâng hiến mạng sống. Tóm một lời, đó là trong mầu nhiệm Thánh Giá, nghĩa là trong cử chỉ tột cùng khiêm tốn và yêu thương dâng hiến. Viện phụ Teodoro Studita nói: “Nhờ thập giá, chúng ta, là những con chiên của Chúa Ktiô, được tập họp thành một đoàn chiên duy nhất và chúng ta được hướng về nơi vĩnh cửu” (Discorso sull’adorazione della croce: PG 99,699).”

Trong viễn tượng ấy, các công thức của nghi thức truyền chức linh mục chúng ta đang cử hành cũng có chiều hướng như vậy. Chẳng hạn, trong 3 câu hỏi liên quan đến những cam kết của tiến chức, câu cuối cùng có tính chất tột đỉnh và tổng hợp, nói rằng: “Các con có muốn được luôn luôn kết hiệp chặt chẽ với Chúa Kitô Linh mục thượng phẩm, Đấng đã tự hiến cho Chúa Cha như lễ vật tinh tuyền vì chúng ta, thánh hiến các con cho Thiên Chúa cùng với Ngài để cứu độ nhân loại hay không?”. Thực vậy, linh mục là người được tháp nhập một cách đặc biệt vào mầu nhiệm hy tế của Chúa Kitô, qua sự kết hiệp bản thân với Chúa, để kéo dài sứ mạng cứu độ của Ngài. Sự kết hiệp này diễn ra nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, ngày càng phải trở nên chẽ hơn, nhờ sự quảng đại đáp lại của chính linh mục. Vì thế, hỡi các Tiến chức quí mến, lát nữa đây các con sẽ trả lời câu hỏi này và nói: “Thưa có, với sự phù trợ của Chúa, con muốn”.

Sau đó trong các nghi thức bổ túc, lúc xức dầu thánh, vị chủ tế nói: “Xin Chúa Giêsu Kitô, mà Chúa Cha đã thánh hiến trong Thánh Thần và quyền năng, giữ gìn con để thánh hóa dân Chúa và để dâng lễ hy sinh”. Và rồi, khi trao bánh và rượu, ngài nói: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh để dâng hy tế thánh thể. Hãy ý thức điều con sẽ làm, bắt chước điều con cử hành, làm cho cuộc sống của con phù hợp với mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô”. Điều rất hiển nhiên là đối với linh mục, cử hành Thánh Lễ mỗi ngày không có nghĩa là thực hiện một chức năng nghi thức, nhưng là chu toàn một sứ mạng bao gồm trọn vẹn cuộc sống của linh mục một cách sâu xa, trong niềm hiệp thông với Chúa Kitô phục sinh, Đấng tiếp tục thực hiện Hy tế cứu chuộc trong Giáo Hội của Ngài.

Chiều kích Thánh Thể – Hy tế ấy là điều không thể tách rời khỏi chiều kích mục vụ và họp thành một nòng cốt chân lý và sức mạnh cứu độ, và hiệu năng của mọi hoạt động đều tùy thuộc nòng cốt ấy. Dĩ nhiên, chúng ta không nói về hiệu năng trên bình diện tâm lý và xã hội mà thôi, nhưng cả về sự phong phú sinh tử của sự hiện diện Thiên Chúa trên bình nhân bản sâu xa. Việc rao giảng, các hoạt động, những cử chỉ khác nhau mà Giáo Hội thi hành qua nhiều sáng kiến của mình, sẽ mất đi sự phong phú cứu độ nếu thiếu việc cử hành Hy tế của Chúa Kitô. Việc cử hành này được ủy thác cho các linh mục được truyền chức. Thực vậy, linh mục được kêu gọi sống nơi bản thân mình điều mà Chúa Giêsu đã đích thân cảm nghiệm trước tiên, nghĩa là dấn thân trọn vẹn cho việc rao giảng và chữa lành con người khỏi mọi tật bệnh thể xác và tinh thần, rồi sau cùng, tóm gọn tất cả trong cử chỉ tột cùng là “hiến mạng sống” vì con người, cử chỉ này được diễn tả theo thể thức bí tích trong Thánh Thể, là lễ tưởng niệm đời đời cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu. Chỉ qua “cánh cửa” Hy tế vượt qua ấy, con người nam nữ thuộc mọi thời đại và mọi nơi mới có thể bước vào sự sống đời đời; chỉ qua “con đường thánh” ấy, họ mới có thể thực hiện một cuộc xuất hành, dẫn họ vào “đất hứa” của tự do chân thực, đến “đồng cỏ xanh tươi” của an vui vô tận (Xc Ga 10,7.9; Tv 77,14.20-21; Tv 23,2).

Các Tiến chức thân mến, ước gì Lời này của Chúa soi sáng trọn cuộc sống của các con. Và khi gánh nặng của thập giá trở nên nặng nề hơn, các con hãy biết rằng đó là giờ quí giá nhất đối với các con và những người được ủy thác cho các con: với lòng tin yêu, khi lập lại lời “thưa có, với ơn phù trợ của Chúa, con muốn”, các con cộng tác với Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm và Mục Tử nhân lành, vào việc chăn dắt các chiên của Chúa, có khi là con chiên duy nhất bị lạc, nhưng trên trời sẽ rất vui mừng vì con chiên lạc ấy! Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Phần rỗi của dân Roma, luôn canh chừng trên mỗi người các con và trên hành trình của các con.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Người chăn chiên tốt lành chính là Ðức Giêsu. Chỉ có Ðức Giêsu là Mục Tử đích thực vì Ngài đã dám hy sinh mạng sống cho đoàn chiên được an toàn, được tự do, và được sống. Ngài đã chịu đóng đinh và chịu chết cách ô nhục để cứu vớt toàn thể nhân loại. Nhờ tình yêu và yêu tới cùng của vị Mục Tử, đoàn chiên đã được sống và sống dồi dào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến thân cứu chuộc chúng con, cho chúng con được sống. Chúa yêu thương và sẵn sàng hy sinh cho chúng con, dù chúng con bất xứng với ân huệ cao quý ấy. Chúng con đã từ bỏ Chúa, nghe theo tiếng gọi của danh vọng, tiền của, giàu sang. Xin cho chúng con luôn ý thức: chúng con là môn đệ, là chiên thuộc về Chúa. Chúng con mau mắn nghe theo tiếng Chúa đang hướng dẫn từng người chúng con trong cuộc sống. Amen.

Ghi nhớ: “Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Đoạn kinh Thánh này vạch ra nét tương phản giữa người chăn tốt và người chăn xấu, người chăn trung tín và kẻ chăn bất trung. Người chăn ở Pa-lét-tin phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bầy chiên, nếu có chuyện gì xảy ra cho chiên người ấy phải trưng bày bằng cớ để chứng minh mình không có lỗi.

Tiên tri A-mos có nói đến việc người chăn chiên gỡ được hai giò hay một tai của con chiên khỏi hàm sư tử (3.12). Luật pháp quy định: “Nếu con vật bị thú rừng xé chết, người lãnh giữ phải đem nó ra làm chứng” (XH 22,). Ở đây muốn nói là kẻ chăn phải đem về một bằng cớ nào đó, để chứng minh rằng chiên ấy đã chết, và anh không thể ngăn chặn được cái chết ấy. Đaminh-vít kể cho Sa-un nghe về cách thế chàng chăn chiên cho cha mình, đã đánh đuổi được sư tử và gấu (x. ISm 17,34-36). Người-sai-a đề cập đến việc kẻ chăn chiên được gọi ra để đối phó với sư tử (31,4). Với người chăn, liều mạng để bảo vệ bầy chiên là điều tự nhiên.

Lắm khi họ còn phải làm nhiều hơn thế nữa để cứu chiên, ấy là phải liều bỏ mạng mình vì chiên. Việc này đặc biệt xảy ra khi có bọn trộm cướp đến phá bầy chiên, Trong quyển xứ Thánh và Kinh Thánh, Thompson viết: “Tôi rất thích thú lắng nghe họ thuật lại một cách sinh động về những trận đánh quyết liệt và tuyệt vọng với đám thú dữ đó. Rồi khi bọn trộm cướp đến, người chăn trung tín thường phải liều mạng để bảo vệ bầy chiên. Tôi được biết có nhiều trường hợp người chăn thật sự hy sinh mạng sống mình trong cuộc hciến đấu. Mùa xuân vừa rồi ở khoảng giữa Ti-bê-ri-a và Ta-bo tội nghiệp một người chăn trung tín, thay vì bỏ chạy, đã ở lại chiến đấu với ba tên cướp du mục, cho đến khi anh bị băm vành ra từng mảnh, nằm chết giữa bầy chiên mà anh bảo vệ”. Người chăn thật chẳng bao giờ ngần ngại liều mạng ngay cả hy sinh mạnh sống mình vì bầy chiên.

Nhưng mặt khác, cũng có kẻ chăn giả, bất trung. Chỗ khác nhau là: người chăn chiên vốn là kẻ được sinh ra để làm công việc này. Anh được sai đến với bầy chiên lúc vừa đủ tuổi có thể chăn chiên được, anh lớn lên trong tiếng gọi trở thành người chăn chiên, và chiên trở thành bạn chung sống với anh, anh lo nghĩ cho chiên trước khi lo nghĩ cho mình. Những kẻ chăn giả nhận việc không do tiếng gọi, mà vì muốn kiếm tiền. Anh hành nghề chỉ bởi đồng tiền lương. Cũng có thể anh phải ra đồng núichăn chiên vì thành phố quá chật chội, nóng bức. Anh ta không hề có một ý thức cao, một tinh thần trách nhiệm đối với công tác, anh chỉ là một kẻ làm thuê ăn lương.

Chó sói là một mối đe dọa cho bầy chiên. Chúa Giêsu đã bảo với các môn đệ, Ngài sai họ đi như chiên vào giữa bầy muôn sói (x. Mt 10,16). Phao lô cảnh cáo các trưởng lão tại ĐẾN-phê-xô rằng bầy sói dữ sẽ đến tấn công, không dung tha đàn chiên ()x, Cv 20,29). Nếu những con sói này đến tấn công, thì những kẻ chăn thuê sẽ chẳng còn nhớ gì ngoài mạng sống của họ và tìm cách bỏ chạy. Gia-ca-ri-a nhấn mạnh điều đó như đặc tính của kẻ chăn thuê, và bảo rằng hắn chẳng làm gì cả để tập họp những con chiên bị tan lạc lại (11,16).

Điều Chúa Giêsu muốn nói là người làm việc chỉ mong được khen thưởng sẽ nghĩ tiền bạc là trên hết, còn người làm việc vì yêu thương thì nghĩ đến những người mình muốn phục vụ hơn bất cứ điều gì khác. Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt, yêu mén chiên đến độ liều bỏ mạnh sống vì chiên, đến một ngày, Ngài đã hy sinh mạng sống Ngài cho chiên.

Trước khi kết thúc phần này, chúng ta có thể ghi nhận thêm hai điểm. Thứ nhất, Chúa Giêsu tự mô tả Ngài là người chiên tốt.

Trong tiếng Hi-lạp có hai từ nối: chữ agathos mô tả phẩm chất đạo đức của một vật nào đó; và chữ kalos cũng nói đến cái phẩm chất tốt, nhưng cũng có ý là trong cái tốt đó có cái gì thu hút hấp dẫn, khiến người hoăc vật ấy đáng yêu mến, đáng ưa chuộng. Khi Chúa Giêsu được mô tả là người chăn chiên tốt (bản Việt văn dịch là nhân lành), thì từ ngữ được dùng là kalos. Trong Chúa Giêsu có một cái gì vượt hẳn con người tháo vát thành công, con người trung tín tận tụy, trong Ngài còn có vẻ đáng yêu đáng mến nữa.

Thỉnh thoảng người ta đề cập đến một lương y, gọi thế, chẳng những người ta ngụ ý đó là bác sĩ tài ba, mà còn đến cả thái độ ưu ái, dịu hiền, tận tụy, gắn liền với con người ông, khiến ông được lòng mọi người. Câu châm ngôn cho thầy thuốc “Lương y từ mẫu” thật đáng chú ý. Trong bức tranh về Chúa Giêsu ở đây với tư cách người chăn chiên tốt, Ngài chẳng những đầy sức mạnh, quyền năng, mà còn hiền lành mà đáng kính đáng yêu nữa.

Điểm thứ hai trong hình ảnh này, bầy chiên chỉ về hội thánh của Chúa Giêsu. Bầy chiên dễ gặp hai điều nguy hiểm. Nó dễ bị muông sói và trộm cướp tấn công từ bên ngoài, và có thể bị kẻ chăn thuê làm hại từ bên trong. Thật là thảm họa cho bầy chiên khi gặp kẻ lãnh đạo xấu, những kẻ chăn xem việc kêu gọi như một thứ nghề nghiệp chứ không là cơ hội để phục vụ. Cái nguy thứ hai này tệ hại hơn nhiều, vì nếu có được một người chăn tốt, trung thành, sẽ có một công cuộc phòng thủ vững chắc đối lại tấn công từ bên ngoài vào; nhưng nếu là kẻ chăn bất trung, chăn thuê, thì những kẻ thù bên ngoài rất dễ xâm nhập và tàn phá bày chiên. Điều quan trọng nhất trong Hội Thánh là, cấp lãnh phải theo gương Chúa Giêsu là người chăn tốt.

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

+++

A. DẪN NHẬP

Nhiều người đã nghe Đức Giêsu giảng và làm phép lạ. Họ chỉ hiểu một phần nào giáo lý của Ngài nhưng chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Câu hỏi “Ngài là ai” phải được đặt ra. Tuy nghe Đức Giêsu giảng và làm phép lạ như vậy, nhưng họ vẫn nghi ngờ về thân thế, uy quyền và sứ mạng của Ngài.

Để nói lên sứ mạng của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về người mục tử tốt lành. Người mục tử biết lo cho con chiên, tha thiết với đàn chiên, hiệp thông với đàn chiên, quên bản thân mình và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên. Đức Giêsu tự nhận lấy danh hiệu ấy cho mình khi Ngài nói với họ: “Ta là Mục tử nhân lành” (Ga 10, 14).

Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta như mục tử ở giữa đàn chiên. Sự hiện diện của Ngài không phải là sự hiện diện của một người lãnh đạo đầy tham vọng, cũng không phải là sự hiện diện của một người cầm đầu mong được tung hô, nhưng là sự hiện diện của một người mục tử sống chỉ vì đoàn chiên và chỉ lo cho đoàn chiên được nuôi sống và được sống dồi dào.

Chúa Giêsu là mục tử nhân lành tối cao, Ngài lo cho mọi con chiên, nhưng Ngài cũng muốn dùng con người làm mục tử thay mặt Ngài mà săn sóc cho đàn chiên như khi Ngài nói với thánh Phêrô: “Hãy chăm sóc các chiên của Thầy”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 4, 8-12

Sau khi Phêrô chữa cho người què từ mới sinh được lành bệnh, ngài cùng với ông Gioan bị điệu đến Thượng hội đồng Do thái về việc chữa lành người què và vì việc ấy đã phạm đến cấm kỵ không cho phép người tàn tật vào Đền thờ.

Trước Thượng hội đồng, Phêrô xác nhận người què ấy được khỏi không phải do quyền phép gì riêng của ông mà chỉ nhờ danh Đức Giêsu, Đấng mà họ đã giết chết nhưng Thiên Chúa đã cho sống lại.

Lợi dụng dịp này, Phêrô giảng về Đức Giêsu: Ngài là viên đá bị những người thợ xây loại bỏ, nhưng Thiên Chúa dùng Ngài làm viên đá góc. Trên trần gian này khó có một Đấng cứu độ nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô, nhờ danh Ngài mà mọi người được ơn cứu độ.

+ Bài đọc 2: 1Ga 3, 1-2

Thánh Gioan nói đến mức độ vô cùng lớn lao của tình yêu Thiên Chúa dành cho tín hữu. Ngài nói về tình yêu tuyệt vời mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta trở nên những con cái của Ngài. Tình trạng tương lai của chúng ta sẽ được trở nên giống như Đức Giêsu vinh quang. Bài học này mời gọi chúng ta hãy vui lên trong tình trạng của mình, với tư cách là những dưỡng tử của Thiên Chúa.

+ Bài Tin mừng: Ga 10, 11-18

Trong những người nghe Đức Giêsu giảng, có nhiều thính giả là người chăn chiên. Đức Giêsu muốn giới thiệu mình là mục tử nhân lành đối với đàn chiên. Ngài muốn so sánh và phân tích mục tử tốt lành và người chăn chiên thuê.

* Người mục tử tốt lành có những đặc điểm này:

a) Thí mạng sống để bảo vệ đàn chiên.

b) Sống thông hiệp với đàn chiên: biết các chiên từng con một, và được các chiên biết.

c) Lo cho đàn chiên được no đủ và tăng thêm, lo tìm chiên lạc và đưa các chiên khác về cùng một đàn và cùng một chủ chiên.

Kẻ chăn chiên thuê thì không tha thiết gì với đàn chiên, gặp nguy hiểm thì bỏ chạy, họ chỉ biết lo cho bản thân mình, để cho đàn chiên tan tác.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚATa là Mục tử nhân lành

I. MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH

1. Trong Cựu ước

Ngày xưa, đề tài người mục tử xả thân cho đàn chiên là nguồn hứng khởi cho các văn sĩ Thánh kinh, khiến họ mô tả Thiên Chúa như một Đấng Mục tử. Thiên Chúa đã xả thân cho Israel không khác gì người mục tử, vì thế tác giả Thánh vịnh đã hát lên:

Đức Giavê là Mục tử tôi,
Tôi không còn thiếu gì.
Dù phải đi qua thung lũng tối đen
Tôi cũng không hề lo sợ. (Tv 23, 1-4)

Đức Giavê là Chúa chăn dắt Israel. Đây là một hình ảnh được thành hình do kinh nghiệm đời sống du mục từ thời tổ phụ của Israel. Hình ảnh người chăn chiên đưa ra hai liên lạc giữa Giavê và Israel: Ngài vừa là Thủ lãnh của Israel, nhưng đồng thời lại là Bạn. Ngài có đủ uy quyền với Israel, và đủ quyền lực để bảo vệ Israel, nhưng đồng thời Ngài đối xử với Israel một cách hết sức nhân từ và tế nhị. Chính Ngài lo liệu việc chăm sóc đó (x. Tv 23).

Từ đó những nhà lãnh đạo tôn giáo của Israel thay mặt Chúa ở trần gian, cũng được ví như các vị mục tử. Nhưng tiếc thay, có một số thủ lãnh thay vì lo cho đàn chiên, lại tác hại chúng, lợi dụng chúng cho mục đích riêng tư, làm cho chúng tan tác đáng thương hại. Khi điều này xảy ra, tiên tri Ézéchiel đã nhân danh Chúa nói lên:

“Hỡi các mục tử của Israel, các ngươi đã bị băng hoại rồi! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến bầy chiên… Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lệch đường, hoặc tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị Chủ Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng… Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi… Ta sẽ giao chúng cho một vị vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng” (Ez, 2-4, 9-10, 23).

2. Trong Tân ước

Đứng trước bối cảnh này, Đức Giêsu đã thổ lộ tâm tình khi Ngài nói: “Ta thương dân này, vì chúng như đàn chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36; Mc 6, 34). Vậy chúng ta phải đọc bài Tin mừng hôm nay trong bối cảnh này để hiểu lời tuyên bố của Đức Giêsu: “Ta là Mục tử nhân lành, sẵn sàng liều mạng vì đàn chiên… Chúng sẽ nghe tiếng Ta và chúng sẽ trở nên một đàn chiên dưới quyền một chủ chiên”.

Nói cách khác, Đức Giêsu chính là nhân vật mà tiên tri Ezéchiel tiên báo. Giống như Đavít, người mục tử nhân lành, Ngài chăm sóc những con yếu đuối bơ vơ, chữa lành con nào bệnh hoạn, và đi tìm những con chiên lầm đường lạc lối. Nhưng Đavít chỉ là hình ảnh một người chăn chiên khác hoàn hảo hơn. Đó là Đavít mới (Gr 3, 15; Ez 34, 23t). Người chăn chiên hoàn hảo Thiên Chúa sai đến là Đức Giêsu Kitô.

II. ĐỨC GIÊSU, VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Người Do thái thời Đức Giêsu thường có thái độ nghi ngờ về thân thế, việc làm, uy quyền và sứ mạng của Đức Giêsu. Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu dùng dụ ngôn về người chăn chiên nhân lành để họ thấy rõ uy quyền đích thực của Ngài. Ngài khẳng định: “Ta là Mục tử nhân lành”.

Ta thấy có sự khác biệt giữa người chủ chăn và người chăn chiên thuê:

1. Người chăn chiên thuê

Người chăn chiên thuê không phải là chủ đàn chiên, nên không mấy tha thiết với đàn chiên, họ không dám hy sinh bảo vệ đàn chiên khi gặp nguy hiểm. Vì không có tình yêu tha thiết với đàn chiên, nên họ cũng không sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, vất vả, họ trốn tránh trách nhiệm một cách dễ dàng.

Đức Giêsu gọi những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái là những kẻ chăn thuê, họ chỉ lo lắng đến các tư lợi do chức vụ đem đến, chứ không tha thiết gì đến đàn chiên, vì vậy khi gặp nguy hiểm là họ chạy trốn để đàn chiên tản mát.

2. Người chủ chăn

Trái lại, người chủ chăn thương yêu đàn chiên, tha thiết với đàn chiên, không nghĩ đến ích lợi cho mình, sẵn sàng hy sinh cho đàn chiên bất chấp nguy hiểm. Người chủ chăn có ba đặc điểm sau đây:

a) Hiệp thông với đàn chiên

Người chủ chiên biết các chiên, biết từng con một, và ngược lại chiên biết chủ. Đây là hành động hỗ tương. Biết một cách riêng biệt, từng con chiên một với các hoàn cảnh, nhu cầu, khát vọng của con chiên. Con chiên biết nhận ra tiếng của chủ chăn. Thật là những người bạn tri âm. Như thế sự biết hỗ tương này sẽ đưa đến một cuộc sống thân mật giữa hai bên. Đúng thế, chữ “Biết” của Gioan, không những bao hàm nghĩa trí tuệ, nhưng còn là sự hiệp thông cuộc sống dựa trên tình yêu và lý trí. Sự thông hiệp này đã có nơi Chúa Cha và Chúa Con. Đức Giêsu cũng sánh ví sự hiệp thông như thế giữa Ngài và các con chiên.

Truyện: Con mắt của vị hoàng đế

Đại tướng Marbot, trong một tập ký sự có kể lại: một hôm khi còn là thiếu uý, vua Napoléon sai ông làm một việc cực kỳ nguy hiểm. Đó là giữa đêm khuya, luồn qua bọn lính tuần tiễu đối phương, bắt một người lính Áo đứng canh bên kia bờ sông Danube, tra khảo để xem tình thế quân địch. Sau bao nhiêu cố gắng không thể tưởng tượng được, toán quân của thiếu uý vượt qua được khúc sông và bắt được ba người lính Áo. Sau khi đã hoàn thành công tác, họ đẩy thuyền ra xa, chèo về. Bỗng giòng nước cuốn mạnh đẩy một gốc cây lớn xô mạnh vào thuyền. Tiếng động đó báo hiệu cho bọn lính tuần tiễu Áo. Họ vùng lên bắn xối xả.

Trong cơn nguy biến cùng cực ấy, viên thiếu uý bỗng nhìn thấy một ánh lửa toả ra từ sườn núi chỗ đóng quân bên kia bờ. Viên thiếu uý đã hiểu rằng Napoléon đã theo dõi cuộc xô xát và đang chăm chú nhìn từ cửa sổ của ông.

Đôi mắt phượng hoàng của Napoléon đã xóa tan bóng tối để gửi đến cho những người lính trẻ sự cổ võ, khuyến khích. Viên thiếu uý có cảm tưởng như nhà vua đã quên hết cả một đạo binh để chỉ nhìn về phía anh. Sự chăm chú theo dõi của nhà vua đã đem lại cho những người lính trẻ sự phấn khởi để giúp họ vượt qua được khó khăn và trở về an toàn.

Như người Mục tử nhân lành, Chúa cũng đã chăm chú theo dõi, và nhìn chúng ta như thể chỉ có mỗi người chúng ta là đáng được chú ý. Thiên Chúa chăm sóc chúng ta như chăm sóc một đàn chiên trong đó mỗi con vật chỉ là một con số. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu biệt loại. Người gọi tên từng người trong chúng ta. Ngài đối xử với chúng ta như thể chỉ có ta là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này (Cử hành Phụng vụ Chúa nhật và Lễ trọng, tr 136).

b) Quy tụ và hợp nhất đàn chiên

Người chủ chăn mở đường tìm lối cho những con chiên lạc trở về một đàn vì có những con chiên lầm đường lạc lối. Ngoài ra, còn muốn thu thập các con chiên khác quy tụ lại trong đàn chiên này là dân Israel, ám chỉ Giáo hội sau này, nói lên tính cách phổ quát của Giáo hội.

Biểu tượng người chăn chiên nhân lành là một dịp, để Chúa quảng diễn vai trò của Ngài hướng dẫn cả thế giới: “Ta còn những con chiên khác không thuộc về đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn… và sẽ có một đàn chiên và một chủ chiên”. Tất cả mọi người là con chiên của Chúa, chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và một Giáo hội duy nhất.

Truyện: Pho tượng Chúa chiên lành

Pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành hương La mã là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào cuối thế kỷ II rằng: “Ta là môn đệ của một Mục tử thánh thiện đã dẫn đàn chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.

Chúa Kitô chính là người Mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới… Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa. (Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm B, tr 70-71)

c) Thí mạng để bảo vệ đàn chiên

Đoạn Kinh thánh này vạch ra nét tương phản giữa người chăn tốt và kẻ chăn xấu, người chăn trung thành và kẻ chăn bất trung. Người chăn ở Palestine phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bầy chiên, nếu có sự gì xảy ra cho chiên, người ấy phải trưng bày bằng cớ để chứng minh mình không có lỗi. Luật pháp quy định: “Nếu con vật bị thú rừng xé chết, người lãnh giữ phải đem nó ra làm chứng” (Xh 22, 12). Ở đây muốn nói là kẻ chăn phải mang về một bằng cớ nào đó, để chứng minh rằng chiên ấy đã chết, và anh không thể ngăn chặn được cái chết ấy.

Với người chăn, liều mạng để bảo vệ bầy chiên là điều tự nhiên. Lắm khi họ còn phải làm nhiều điều hơn thế nữa để cứu chiên.

Truyện: Liều mạng cứu chiên

Trong quyển The land and the Book, Thomas Thompson có ghi lại câu chuyện bi đát như sau: Một ngày nọ có chàng mục đồng trẻ tuổi dẫn đàn súc vật đi về vùng lân cận ngọn núi Thabor. Bỗng có ba tên cướp đường người Ả rập xuất hiện. Chàng thanh niên biết rõ chàng sẽ gánh chịu những hậu quả khôn lường, thế nhưng chàng đã không bỏ trốn. Chàng kiên cường chiến đấu, để giữ cho bầy súc vật của chàng khỏi rơi vào tay lũ thổ phỉ. Đoạn cuối được kết thúc bằng cái chết liều mạng của chàng thanh niên cho đàn cừu của chàng.

III. KITÔ HỮU CŨNG LÀ MỤC TỬ

1. Sứ vụ của Đức Giáo hoàng.

Đức Giêsu đã trao phó trách nhiệm coi sóc đàn chiên của Chúa khi Chúa nói với ông Phêrô tới ba lần: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 15-17). Và sau khi Chúa về trời, thánh Phêrô trở nên vị lãnh tụ tối cao trong Giáo hội, vị Giáo hoàng đầu tiên đặt ngai toà tại Rôma, các Tông đồ và mọi tín hữu phải quy phục quyền hướng dẫn của Ngài. Giáo hoàng là vị đại diện Thiên Chúa ở trần gian.

Truyện: Quo vadis?

Dưới thời bạo chúa Néron bắt đạo. Rôma ngập tràn máu lửa, biết bao nhiêu tín hữu đã chết dưới tay ông bạo chúa điên loạn, bạo tàn.

Giáo hội non trẻ do Đức Giêsu thiết lập như sắp rã rời tan tác. Phêrô là con chim đầu đàn, là trụ cột của Giáo hội. Các tín hữu tha thiết xin Phêrô trốn khỏi Rôma, để tiếp tục hướng dẫn đoàn chiên. Người anh cả một thoáng phân vân, chần chừ. Quả thật đoàn chiên đang nao núng vì sợ thiếu vắng đầu đàn, sao có thể giữ vững niềm tin? Thầy đã chẳng khuyên khi người ta bắt bớ chúng con ở thành này, thì hãy trốn sang thành khác sao? Phêrô xách bị gậy đi trốn. Đụng Thầy ở cổng thành, Phêrô hỏi:

– Quo vadis, Domine? Thưa Thầy, Thầy đi đâu?

Chúa Giêsu trả lời:

– Nếu con bỏ các Kitô hữu của Thầy thì Thầy sẽ quay lại để chịu đóng đinh cho họ một lần nữa.

Phêrô hiểu ngay lời Thầy, quay trở lại Rôma để an ủi khích lệ đoàn chiên.

2. Sứ vụ các Giám mục, Linh mục

Theo kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, một số ít người trong dân Chúa được gọi, được chọn để đóng vai người mục tử của cộng đoàn. Đó là các Giám mục, Linh mục tức các thừa tác viên có chức thánh. Công việc được giao cho các vị, chính là việc chăn dắt, chăm lo cho đoàn chiên của Thiên Chúa. Tác vụ của các vị là làm sao cho đoàn chiên chẳng những được an toàn mà còn được ăn uống no nê, béo tốt. Trách nhiệm ấy thật cao cả nhưng cũng thật khó khăn và nặng nề. Cao cả vì các vị phải hiện-tại-hoá tấm lòng và cách sống yêu thương và hy sinh xả kỷ của Chúa Giêsu và của Thiên Chúa đối với cộng đồng anh chị em được giao phó cho các vị. Khó khăn và nặng nề vì các vị vẫn là những con người phàm trần với nhiều yếu đuối và đam mê như mọi người khác.

Nhìn vào thực tế, một thực tế không thể chối cãi được và cũng rất bình thường, chúng ta thấy các vị chủ chăn có một vai trò quan trọng trong đời sống thiêng liêng của một cộng đoàn. Nhìn vào thực tế chúng ta cũng thấy rõ là không phải tất cả các vị chủ chăn đều có được tấm lòng yêu thương và cách sống hy sinh quên mình vì đoàn chiên. Vẫn còn đó, những ích kỷ, nhưng vụ lợi, những hưởng thụ không chính đáng! Vẫn còn đó, những lạm dụng danh nghĩa, những tự tôn tự đại! Vẫn còn đó những ngại hy sinh, những cách phục vụ nửa chừng nơi các vị chủ chăn của chúng ta.

Nhưng cũng không thiếu gì những vị mục tử hy sinh vì đàn chiên, những gương lành sáng chói còn ghi trong sử sách. Một Gioan Vianney đã tô điểm sáng chói cho khuôn mặt vị Mục tử nhân lành tối cao! Chính vì thế mà Giáo hội mới tha thiết mời gọi tất cả mọi Kitô hữu cầu nguyện cách đặc biệt cho các vị, để các vị trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng chăn chiên nhân lành. Không có ơn đặc biệt của Thiên Chúa, không ai làm được những chuyện “ngược đời” mà Phúc âm đòi hỏi.

3. Sứ vụ của mọi Kitô hữu

Mọi người đã được chịu phép Thánh tẩy đều được tham gia vào ba chức năng của Chúa Kitô, đó là: chức năng tư tế, chức năng tiên tri và chức năng cai trị. Nhưng theo tư tưởng của Đức Kitô thì “Cai trị là phục vụ”. Ai mà không có quyền phục vụ? Ai có thể nói là mình không thể phục vụ được trong bất cứ một lãnh vực nào hay một hoàn cảnh nào?

a) Trong đời sống Kitô hữu nói chung

Nhìn sâu hơn nữa vào tinh thần Phúc âm, chúng ta phải quả quyết rằng: không chỉ có các thừa tác viên có chức thánh mới có sứ vụ mục tử, mà mọi Kitô hữu lớn nhỏ, nam nữ đều được tham gia vào sứ vụ chăm sóc của Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, bí tích Thánh tẩy đã khiến chúng ta thành chi thể của Thân Mình Mầu nhiệm mà Chúa Kitô là Đầu. Là chi thể, chúng ta mang trong mình tư cách, tính chất, sứ vụ của Đầu. Nếu Đức Giêsu là Mục tử thì mọi Kitô cũng đều là người chăm lo cho anh em là chi thể của Thân mình.

b) Trong đời sống gia đình nói riêng

Gia đình được gọi là Hội thánh tại gia. Trong Hội thánh lớn hay nhỏ đều phải có tổ chức, phải có đầu có cuối như người ta thường nói: “Kim chỉ phải có đầu”. Chúa Kitô đã trao cho thánh Phêrô nhiệm vụ coi sóc Hội thánh toàn cầu, thì Ngài cũng trao cho các Giám mục, rồi đến Linh mục nhiệm vụ chăm sóc Hội thánh tại địa phương là Giáo phận, Giáo xứ.

Như vậy, Chúa cũng trao cho cha mẹ nhiệm vụ chăm sóc gia đình – một Hội thánh tại gia – để cha mẹ thi hành sứ vụ mục tử đối với con cái cũng như con cái có sứ vụ chăm lo cho cha mẹ; vợ có sứ vụ mục tử đối với chồng và chồng có sứ vụ mục tử đối với vợ; anh em chị em có sứ vụ mục tử đối với nhau và cứ thế mà rộng ra toàn xã hội và thế giới: mọi người có sứ vụ chăm lo cho nhau, vì mọi người là con cái của Thiên Chúa, đều là anh chị em của nhau, đều thuộc về một ràn chiên duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.

4. Sứ vụ hiệp nhất của Kitô hữu

Đức Giêsu muốn quy tụ tất cả các chiên vào trong một đàn chiên, dưới sự hướng dẫn của một Chúa chiên. Nỗi thao thức của Đức Giêsu trước khi vào cuộc tử nạn là cho mọi người hiệp nhất nên một. Tâm tình này đã được Đức Giêsu thổ lộ trong bữa Tiệc ly: “Xin cho chúng hiệp nhất nên một” (Ga 17, 23). Nhưng sau khi Chúa về trời rồi, Hội thánh vẫn còn chia rẽ. Hội thánh được ví như một tấm vải bị xé ra nhiều mảnh, cần phải được nối kết lại.

Công đồng Vatican II tha thiết mong mỏi tái lập sự hiệp nhất giữa tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, nên muốn cung ứng cho mọi người Công giáo sự trợ lực, đường lối và phương sách để họ có thể đáp ứng lời mời gọi và ân sủng của Thiên Chúa (Sắc lệnh về hiệp nhất, số 1).

Hàng năm Giáo hội tổ chức tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất từ ngày 18-25 tháng giêng. Tuần lễ hiệp nhất này là sáng kiến của một mục sư Anh giáo ở New York, ông Watson và người bạn của ông là ông Spencer Jones ở Luân Đôn. Kết quả đầu tiên của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất này là sự trở lại Công giáo của chính mục sư Watson, sau là Linh mục Paul Francis, đồng thời cả cộng đoàn (Association de Réparation) của ông lập cũng trở lại Công giáo. Đức Piô X đã chấp thuận tuần lễ hiệp nhất này trong Giáo hội.

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

HY SINH MẠNG SỐNG VÌ CHIÊN

Nơi bìa trước của cuốn Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo

có một hình vẽ bằng những nét phác họa đơn sơ.

Hình này dựa trên bức khắc của một phiến đá ở ngôi mộ cổ,

trong hang toại đạo ở Rôma, vào cuối thế kỷ thứ ba.

Ta thấy hình một người chăn chiên đang ngồi.

Một con chiên nằm ở kề bên, quay mặt vào anh.

Người chăn chiên tượng trưng cho Đức Giêsu Mục tử.

Tay trái Ngài cầm chiếc gậy để dẫn dắt và bảo vệ chiên,

Tay phải Ngài cầm chiếc sáo đưa gần miệng,

thu hút con chiên với cung điệu du dương.

Cả người chăn chiên và con chiên đều ở dưới bóng cây.

Đây là “cây sự sống”, cây Thánh giá cứu chuộc nhân loại.

Hình ảnh Người Mục tử an bình bên cạnh con chiên

cho thấy linh hồn người đã khuất cũng mong được an nghỉ

trong hạnh phúc của cuộc sống vĩnh hằng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

hai lần Đức Giêsu ví mình với người mục tử tốt (Ga 10, 11.14).

Năm lần Ngài nhắc lại nét đặc trưng của người mục tử:

đó là hy sinh mạng sống cho đàn chiên (Ga 10, 11.15.17.18).

Ai cũng quý mạng sống mình hơn nhiều thứ khác.

Đức Giêsu khẳng định: chỉ ai yêu bằng tình yêu lớn nhất

mới dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu (Ga 15, 13).

Như thế mục tử tốt là người coi chiên như bạn,

và yêu chiên bằng một tình yêu lớn lao.

Đàn chiên “thuộc về” người mục tử, là một với người ấy,

nên người mục tử dám sống chết với đàn chiên.

Đây là điểm khác biệt giữa vị mục tử và anh chăn thuê:

Anh chăn thuê không quan tâm đến chiên,

vì chiên “không thuộc về” anh, nhưng thuộc về ông chủ.

Vì không chút gắn bó với chiên, nên khi sói dữ đến,

anh chăn thuê bỏ chiên mà chạy, mặc đàn chiên tan tác.

Anh ta coi mạng sống mình trọng hơn chiên.

Còn người mục tử tốt thì coi chiên trọng hơn mạng sống.

Trong Cựu Ước, Đấng Mêsia bởi dòng Đa vít là một mục tử.

Người mục tử có nhiều trách nhiệm với chiên:

săn sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng chiên là đoàn dân thánh,

nhưng không thấy Cựu Ước nói đến chuyện hy sinh mạng sống.

Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia, vị Mục tử do Cha sai đến.

Trong cuộc chiến bảo vệ chiên chống lại sói dữ,

vị Mục tử Giêsu có vẻ như đã thua cuộc,

thậm chí, Ngài đã chết trong cuộc chiến ác liệt này.

Nhưng Đức Giêsu cho thấy Ngài không thua cuộc.

Ngài chết không phải vì ở thế yếu,

nhưng để vén mở một tình yêu tự nguyện:

“Mạng sống này, không ai lấy đi khỏi tôi,

nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình (Ga 10, 18).

Cái chết không phải là một thất bại,

nhưng là để cho thấy quyền năng của Đấng phục sinh:

“Tôi có quyền hy sinh mạng sống, và có quyền lấy lại.

Đó là mệnh lệnh tôi đã nhận từ Cha tôi.”

Cứ sự thường, khi mục tử chết thì đàn chiên cũng tan.

Nhưng Mục tử Giêsu chết để đàn chiên được nguyên vẹn:

“Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 28).

Ngài chết để quy tụ những chiên chưa thuộc về ràn,

những chiên chưa nhận biết được tiếng của Ngài.

Ước mơ của Ngài là sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục tử.

Trong Chúa nhật hôm nay, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Mục tử,

chúng ta cầu cho các vị mục tử trong Hội Thánh

được ơn hiểu biết nhu cầu của chiên và quan tâm đến chiên,

dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và bảo vệ chiên khỏi sói dữ,

đưa chiên lạc về một ràn và hy sinh mạng sống mình vì chiên.

Nhờ đó cả nhân loại thành đoàn chiên của Thiên Chúa.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh

không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh

trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời đang gần bên. Amen.

spot_imgspot_img
spot_img

BÀI MỚI

XEM THÊM