PHIM TÀI LIỆU MỚI KHÁM PHÁ BA HÌNH ẢNH THIÊNG LIÊNG VỀ DIỆN MẠO CỦA CHÚA GIÊSU

55 lượt xem - Posted on

Một bộ phim tài liệu mới mang tên The Face of Jesus (Diện Mạo của Chúa Giêsu) vừa được công bố, với nỗ lực trả lời câu hỏi đã vang vọng suốt nhiều thế kỷ: “Chúa Giêsu trông như thế nào?”

Bộ phim do nhà làm phim người Ba Lan Jaroslaw Redziak thực hiện, khám phá ba hình ảnh đặc biệt về Chúa Giêsu: Tấm Khăn Liệm Turin, Tấm Khăn Manoppello (còn gọi là Khăn thánh Veronica), và ảnh Lòng Thương Xót Chúa ở Vilnius – một trong những bức họa tay nổi tiếng nhất được linh hứng từ thị kiến của Thánh Faustina Kowalska.

Redziak chia sẻ với CNA rằng cảm hứng đầu tiên để thực hiện bộ phim bắt nguồn từ lòng sùng kính cá nhân ông và vợ dành cho Tấm Khăn Manoppello – hình ảnh gương mặt Chúa không do tay người vẽ nên (acheiropoietic). Họ từng hành hương nhiều lần đến ngôi thánh đường nhỏ ở làng Manoppello, nơi bức khăn được lưu giữ trong một mặt nhật đặc biệt. “Bạn có thể đứng đó, thật gần, như thể chạm vào được khuôn mặt Ngài,” ông kể lại. “Đó là một điều không thể diễn tả.”

Tấm Khăn Manoppello chỉ được biết đến rộng rãi sau chuyến viếng thăm năm 2005 của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Khác với Khăn Liệm Turin có dấu máu và đôi mắt nhắm lại, Tấm Khăn Manoppello không có vết máu và đôi mắt mở to, điều mà nhiều chuyên gia cho là dấu chỉ của Chúa Phục Sinh. Một số nhà thần học còn cho rằng đây chính là “khăn liệm” mà các tông đồ Phêrô và Gioan thấy trong mộ, như được thuật lại trong Tin Mừng.

Trong khi đó, Tấm Khăn Turin – được lưu giữ tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Gioan Tẩy Giả ở thành phố Turin, Ý – vẫn là một biểu tượng thiêng liêng mạnh mẽ, cho thấy hình ảnh một người đàn ông đội mão gai, thân thể đầy thương tích. Dù Vatican chưa xác nhận chính thức về tính xác thực của tấm khăn, nhưng nó vẫn thu hút hàng triệu tín hữu và giới khoa học toàn cầu. Lần gần đây nhất khăn được trưng bày công khai là vào năm 2015.

Một hình ảnh khác được phim đề cập là bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa tại Vilnius, được vẽ dưới sự chỉ dẫn của Thánh Faustina năm 1931, sau thị kiến về Chúa Giêsu: mặc áo trắng, tay phải giơ cao ban phép lành, tay trái đặt nơi trái tim, từ đó phát ra hai tia sáng – một đỏ và một trắng. Bức họa được Eugeniusz Kazimirowski vẽ lại theo hướng dẫn của Thánh nữ và cha linh hướng của ngài, chân phước Sopocko. Từ năm 2000, Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa.

Redziak cho biết quá trình bốn năm thực hiện bộ phim là “một cuộc hành trình thiêng liêng”. Ban đầu ông dự tính làm một phim ngắn chỉ 20 phút đăng trên mạng, nhưng càng đi sâu vào nghiên cứu và trò chuyện với các chuyên gia, ông nhận ra cần phải biến nó thành một phim tài liệu dài, xứng đáng với chiều sâu thiêng liêng của đề tài.

Ông cũng có cơ hội tận mắt chiêm ngắm Tấm Khăn Turin – một trải nghiệm mà ông mô tả là “đau đớn nhưng vô cùng mạnh mẽ”, bởi không hình ảnh hay bản sao nào có thể thay thế được cảm xúc khi đứng trước tấm khăn thật.

Theo CNA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *