spot_img
Home Blog

Khi nào sẽ có khói “đen” hay khói “trắng”, đã bầu được hay chưa được Giáo hoàng mới

0
Trong một buổi họp báo có rất đông ký giả, có nhiều câu hỏi yêu cầu giải thích chi tiết về khói (màu đen nếu chưa bầu được, màu trắng nếu bầu được Giáo hoàng) phát ra từ ống khói biểu tượng của mọi Mật nghị Hồng y đặt trên mái Nhà nguyện Sistine. Ông Bruni cho biết, nếu có khỏi vào khoảng 10:30 sáng hoặc 5:30 chiều thì đó sẽ là khói trắng, dấu hiệu đã bầu được Giáo hoàng.

Vatican News

Ông Matteo Bruni giải thích rằng sẽ có hai lần phát khói chính thức: một lần vào cuối buổi sáng và một lần vào cuối buổi chiều và những lần này có thể là có khói đen, nếu chưa bầu được Giáo hoàng, hoặc khói trắng, nếu đã bầu được Giáo hoàng mới.

Không có chỉ dẫn chính xác về thời gian phát khói. Nhìn lại các Mật nghị trước đây, thời gian có thể là 12 – 12:30 và 19-19:30; tuy nhiên, lần này, xét đến số lượng đông cử tri hơn, thời gian phát khói có thể trễ hơn.

Nhưng nếu có khói xuất hiện vào giữa buổi sáng, sau lần bỏ phiếu đầu tiên, hoặc là vào giữa buổi chiều, sau lần bỏ phiếu thứ ba trong ngày, thì chắc chắn đó sẽ là khói trắng và sẽ là dấu hiệu cho thấy Mật nghị Hồng y đã chọn được Giáo hoàng mới.

Sau khi đã có khói trắng, dự kiến khoảng 40-60 phút sau đó, tại ban công chính Đền thờ Thánh Phêrô, Hồng y trưởng đẳng phó tế Dominique Mamberti sẽ thông báo “HABEMUS PAPAM” – Chúng ta có Giáo hoàng – và sau đó Đức tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện và chào dân chúng tại khu vực Quảng trường Thánh Phêrô.

SAU 3 LẦN BỎ PHIẾU, GIÁO HỘI VẪN CHƯA CÓ TÂN GIÁO HOÀNG

Vào lúc 11 giờ 51 phút trưa ngày 8/5/2025 (giờ Roma), một luồng khói đen lại bốc lên từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine. Đó là dấu hiệu quen thuộc cho biết các Hồng y cử tri vẫn chưa đạt được đồng thuận cần thiết để chọn ra vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo hoàn vũ.

Trước đó, vào tối ngày 7/5, sau phiên bỏ phiếu đầu tiên của Mật nghị, khói đen cũng đã xuất hiện, báo hiệu kết quả chưa ngã ngũ. Sang sáng nay, 133 Hồng y cử tri tiếp tục tham gia hai vòng bỏ phiếu nữa, nhưng kết quả vẫn chưa thay đổi. Cả ba vòng bỏ phiếu đầu tiên đều chưa thể đưa ra một quyết định chung cuộc.

Tín hữu và giới quan sát trên toàn thế giới, đang dõi theo từng luồng khói từ Quảng trường Thánh Phêrô hoặc qua các phương tiện truyền thông, lại thêm một lần chờ đợi trong hy vọng và cầu nguyện. Buổi chiều cùng ngày, các Hồng y sẽ tiếp tục bước vào vòng bỏ phiếu thứ tư, và nếu vẫn chưa có kết quả, sẽ tiến hành vòng thứ năm vào buổi tối. Khi ấy, một lần nữa, ánh mắt của hàng triệu người lại hướng lên ống khói Sistine để tìm dấu hiệu của sự lựa chọn: khói trắng hay khói đen?

Nhiều nhà báo chuyên theo dõi Vatican nhận định, kết quả có thể sẽ ngã ngũ sau vòng bỏ phiếu thứ tư hoặc thứ năm. Lịch sử gần đây cho thấy: Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI được chọn sau vòng bỏ phiếu thứ tư vào ngày 19/4/2005, còn Đức Phanxicô được chọn sau vòng thứ năm vào ngày 13/3/2013.

Trong bầu khí linh thiêng và trang trọng của Mật nghị, thế giới tiếp tục chờ đợi một khói trắng – dấu chỉ cho sự xuất hiện của vị cha chung mới, người sẽ dẫn dắt Giáo hội vượt qua những thách đố của thời đại hôm nay.

Hồng Y Đoàn họp phiên toàn thể cuối cùng trước khi bước vào Mật nghị

Sáng ngày 6/5/2025, Hồng y đoàn đã nhóm phiên họp Toàn thể lần thứ 12 – cũng là phiên cuối cùng – với 173 Hồng y tham dự, trong đó có 130 vị dưới 80 tuổi, đủ điều kiện tham gia mật nghị.

Các đề tài thảo luận xoay quanh việc tiếp nối cải tổ của Đức Thánh Cha Phanxicô: từ minh bạch tài chính, tổ chức Giáo triều Roma, đến hiệp hành, hòa bình và bảo vệ môi trường.

Các Hồng y đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệp thông – một ơn gọi cốt lõi của vị Giáo hoàng mới – người được mong đợi là mục tử nhân lành giữa thời đại chia rẽ và bạo lực.

Phiên họp cũng tưởng nhớ các vị tử đạo, nhấn mạnh việc đào sâu vai trò của Hồng y đoàn, và kết thúc bằng lời kêu gọi hòa bình.

Trong phiên họp, Nhẫn Ngư Phủ và ấn của Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô được chính thức hủy bỏ. Giờ đây, các Hồng y bước vào thời gian chuẩn bị mật nghị, bầu chọn vị Giáo hoàng kế vị.

Phân biệt: Tổng Giám mục, Giám mục, Giám mục phó và Giám mục phụ tá

0

Trong Giáo hội Công giáo, các Giám mục là những người kế vị các Tông đồ, được trao quyền lãnh đạo, giảng dạy và gìn giữ đức tin trong một đơn vị gọi là giáo phận. Tuy nhiên, trong hàng ngũ Giám mục có những phân biệt cụ thể về vai trò và nhiệm vụ.

Giám mục là người đứng đầu một giáo phận, chịu trách nhiệm điều hành, chăm sóc mục vụ, ban các bí tích và quản lý toàn diện đời sống đức tin của cộng đoàn tín hữu trong giáo phận mình.

Tổng Giám mục là Giám mục đứng đầu một Tổng giáo phận, thường là một giáo phận lớn có tầm ảnh hưởng trong vùng hoặc quốc gia. Ngoài việc điều hành Tổng giáo phận, Tổng Giám mục còn có trách nhiệm liên kết và hỗ trợ các giáo phận nhỏ hơn trong cùng giáo tỉnh, tuy không có quyền trực tiếp điều hành các giáo phận này.

Giám mục phó là người được bổ nhiệm để hỗ trợ Giám mục chính trong một giáo phận, và điều quan trọng là có quyền kế vị tự động khi Giám mục chính đương nhiệm qua đời, từ chức hoặc được thuyên chuyển.

Giám mục phụ tá cũng là người hỗ trợ Giám mục chính trong công việc mục vụ và điều hành giáo phận, đặc biệt trong các giáo phận lớn hoặc khi Giám mục chính tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên, Giám mục phụ tá không có quyền kế vị và chỉ giữ vai trò trợ giúp.

Tóm lại, sự khác biệt nằm ở quyền hạn và vị trí trong hàng ngũ lãnh đạo. Mọi Giám mục đều có chức thánh trọn vẹn, nhưng vai trò của họ được sắp xếp để phù hợp với nhu cầu phục vụ cụ thể trong Giáo hội.

Các viên chức và nhân viên phục vụ Mật nghị tuyên thệ giữ bí mật

0

Vào lúc 5 giờ 30 chiều ngày 5 tháng 5 năm 2025, tại Nhà nguyện Paolina trong Dinh Tông Tòa, các viên chức và nhân viên phục vụ trong Mật nghị Hồng y đã long trọng tuyên thệ giữ bí mật, theo quy định của Tông hiến Universi Dominici Gregis do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành.

Nghi thức do Hồng y Kevin Farrell, Nhiếp chính của Giáo hội, chủ sự, với sự hiện diện của các Hồng y trợ tá và đại diện Tòa Thánh. Những người tham dự gồm nhiều thành phần: từ thư ký Hồng y đoàn, linh mục giải tội, tu sĩ, bác sĩ, nhân viên kỹ thuật, an ninh, phục vụ hậu cần… đến các thành viên Đội cận vệ Thụy Sĩ.

Mỗi người được giải thích về ý nghĩa lời tuyên thệ và đã đích thân đọc, ký tên cam kết giữ bí mật tuyệt đối mọi điều liên quan đến tiến trình bầu chọn Giáo hoàng, dù trực tiếp hay gián tiếp. Việc tiết lộ sẽ bị xử phạt vạ tuyệt thông, trừ khi được Đức Giáo hoàng mới hoặc người kế nhiệm miễn chuẩn cách rõ ràng.

Nghi lễ này là một dấu chỉ cho thấy Giáo hội luôn giữ gìn sự linh thiêng và trung thực trong một trong những biến cố trọng đại nhất của mình: bầu chọn vị kế nhiệm Thánh Phêrô.

Thánh lễ an táng Đức Thánh Cha sẽ được cử hành vào thứ Bảy ngày 26/4/2025

Thánh lễ an táng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được cử hành vào 10 giờ sáng thứ Bảy, ngày 26 tháng 4 năm 2025, tại Đền thờ Thánh Phêrô. Chủ tế là Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, theo nghi thức chính thức dành cho Giáo hoàng.

Vào cuối Thánh lễ, nghi thức tiễn biệt sẽ được cử hành, sau đó linh cữu Đức Thánh Cha sẽ được đưa đi an táng tại Đền thờ Đức Bà Cả.

Trước đó, vào 9 giờ sáng thứ Tư, ngày 23 tháng 4, sẽ diễn ra nghi lễ di quan từ Nhà nguyện Thánh Marta đến Đền thờ Thánh Phêrô, do Đức Hồng y Kevin Farrell, Nhiếp chính Tòa Thánh, chủ sự.

Đoàn rước sẽ đi qua Quảng trường Thánh Marta, Quảng trường Các Thánh Tử Đạo, và tiến vào Đền thờ qua cửa chính. Tại Bàn thờ Tuyên xưng Đức Tin, sẽ cử hành Phụng vụ Lời Chúa, mở đầu cho những ngày kính viếng và cầu nguyện.

Xin hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vị Giáo hoàng của lòng thương xót

0

Từ năm 2013 đến 2019, sáu năm đầu trong triều đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã in đậm dấu ấn lòng thương xót. Bằng những hành động và lời giảng đầy cảm hứng, ngài đã khởi xướng nhiều sáng kiến lớn lao, biến Giáo hội trở thành “những ốc đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm.”

MỘT VỊ GIÁO HOÀNG “ĐẾN TỪ TẬN CÙNG THẾ GIỚI”

Ngày 13 tháng 3 năm 2013, Hồng y Jorge Mario Bergoglio được chọn làm Giáo hoàng, lấy tông hiệu là Phanxicô, vị Giáo hoàng đầu tiên mang tên của Thánh Phanxicô Assisi – người nghèo của Chúa. Đây cũng là lần đầu tiên Giáo hội có một vị Giáo hoàng đến từ Châu Mỹ Latinh – cụ thể là Argentina, được mô tả là “đến từ tận cùng thế giới”.

Ngay từ phút đầu tiên xuất hiện trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô, ngài đã mời gọi:
“Chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình này, Giám mục và giáo dân, hành trình của tình huynh đệ trong tình yêu thương, của sự tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho nhau.”

HƯỚNG VỀ NHỮNG VÙNG NGOẠI VI

8/7/2013, chỉ vài tháng sau khi lên ngôi, Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên bên ngoài Roma – đến đảo Lampedusa. Đây là cửa ngõ của hàng ngàn người di cư từ châu Phi và Trung Đông vào châu Âu. Ngài không chỉ đến để an ủi, mà còn để đánh thức lương tâm thế giới về nỗi đau của những người bị bỏ quên.

Tháng 7/2013, ngài tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, Brazil – quy tụ hơn 4 triệu bạn trẻ. Ngài mời gọi họ:
“Hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ!”
Với ngài, người loan báo Tin Mừng không chỉ là người mang sứ điệp, mà còn là người để chính Tin Mừng biến đổi.

2015: NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Ngày 13/3/2015, trong buổi cử hành phụng vụ “24 giờ cho Chúa”, Đức Thánh Cha công bố một Năm Thánh đặc biệtNăm Thánh Lòng Thương Xót.

Từ ngày 8/12/2015 (Lễ Mẹ Vô Nhiễm) đến ngày 20/11/2016 (Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ), toàn Giáo hội được mời gọi sống và lan tỏa lòng thương xót như một sứ mạng. Cửa Thánh được mở không chỉ tại Rôma, mà cả tại các nhà thờ chính tòa trên thế giới – như một biểu tượng để ai cũng có thể “bước vào lòng thương xót Chúa”.

Châm ngôn giám mục “miserando atque eligendo” – “được thương xót và được chọn” – không chỉ là kim chỉ nam đời sống cá nhân của ngài, mà còn là định hướng cho triều đại Giáo hoàng.
Ngài nói:
“Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính.”

MẸ TÊRÊSA THÀNH CALCUTTA: BIỂU TƯỢNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Ngày 4/9/2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô long trọng tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa thành Calcutta – người nữ tu nhỏ bé từng được gọi là “người mẹ của người nghèo”, người đã hiến trọn cuộc đời mình cho những ai bị xã hội lãng quên.

Ngài nói trong Thánh lễ phong thánh:
“Trong người anh em mà chúng ta giúp đỡ, chúng ta nhận ra gương mặt của Thiên Chúa… Cuộc sống Kitô hữu không chỉ là trợ giúp khi cần, mà là dấn thân của một ơn gọi bác ái.”

Qua việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa giữa Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha muốn nói với thế giới rằng tình yêu thương, phục vụ và liên đới không phải là lựa chọn thêm, mà là con đường chính yếu để nên thánh.

THIẾT LẬP “NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO”

Một dấu ấn khác trong triều đại lòng thương xót là việc thiết lập Ngày Thế giới Người nghèo, được tổ chức vào Chúa nhật XXXIII mùa Thường niên hàng năm, bắt đầu từ năm 2017.

Đây không chỉ là một lời kêu gọi bác ái, mà là một lời mời sống hiệp thông thật sự với người nghèo – không chỉ bằng vật chất, mà bằng sự lắng nghe, chia sẻ, hiện diện. Đức Thánh Cha nhấn mạnh:
“Người nghèo là những người giúp chúng ta mở cánh cửa thiên đàng.”

MỘT GIÁO HỘI “KHÔNG ĐÓNG KÍN”

Sáu năm đầu triều đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô là sáu năm của các cuộc viếng thăm ngoại vi, của các cuộc đối thoại liên tôn, của những cải tổ trong lòng Giáo hội, nhưng trên hết là của lòng thương xót hiện diện trong mọi hành động.

Ngài mong muốn Giáo hội trở thành “bệnh viện dã chiến” – nơi chữa lành vết thương thay vì phán xét. Và nơi ấy, mọi người đều có thể cảm nhận được sự dịu dàng của Thiên Chúa.

Triều đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong sáu năm đầu đã in đậm một hình ảnh không thể phai: một vị Giáo hoàng của lòng thương xót. Trong thế giới đang bị phân rẽ và thờ ơ, ngài cất lên lời mời gọi nhân loại trở về với căn tính thương xót của Thiên Chúa, để rồi từ đó, mỗi cộng đoàn, mỗi người, trở thành ánh sáng sưởi ấm cho thế giới quanh mình.

“Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Giáo hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những ốc đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm.”— Đức Giáo hoàng Phanxicô

Thánh lễ an táng Đức Thánh Cha sẽ được cử hành vào thứ Bảy ngày 26/4/2025

0

Vatican News: Thông báo của Đức Tổng Giám mục Diego Ravelli, Chánh Văn phòng Nghi lễ của Đức Thánh Cha, cho biết Thánh lễ sẽ được cử hành theo quy định trong Nghi lễ an táng các Giáo hoàng (các số 82-109)”.

Thánh lễ sẽ do Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn chủ sự.

Vào cuối Thánh lễ sẽ cử hành nghi thức Tiễn biệt. Sau đó, quan tài của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô sẽ được đưa vào Đền thờ Thánh Phêrô và từ đó được đưa đi an táng tại Đền thờ Đức Bà Cả.

Nghi thức di quan sang Đền thờ Thánh Phêrô

Cũng theo thông cáo của Văn phòng Nghi lễ Phụng vụ của Đức Thánh Cha, nghi lễ di quan quan tài Đức Thánh Cha Phanxicô vào Đền thờ Thánh Phêrô sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ sáng thứ Tư ngày 23/4/2025.

Thông cáo của Văn phòng Nghi lễ của Đức Thánh Cha nêu rõ chi tiết như sau:

Vào lúc 9 giờ sáng thứ Tư, ngày 23/4/2025, quan tài với thi hài của Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ được đưa từ Nhà nguyện Domus Sanctæ Marthæ (Nhà Thánh Marta) đến Đền thờ Thánh Phêrô, theo quy định trong Nghi lễ an táng các Giáo hoàng (các số 41-65)”.

Trình tự cuộc rước như sau:

Sau giây phút cầu nguyện được chủ sự bởi Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, Nhiếp chính của Giáo hội, nghi lễ di quan bắt đầu.

Đoàn rước sẽ đi qua Quảng trường Thánh Marta và Quảng trường các vị Tử đạo Roma Tiên khởi; đoàn rước sẽ từ Cổng Campane (sát với Đền thờ Thánh Phêrô) đi ra Quảng trường Thánh Phêrô và qua cửa chính để vào Đền thờ Thánh Phêrô.

Tại Bàn thờ Tuyên xưng Đức tin, Đức Hồng y Nhiếp chính sẽ chủ sự Phụng vụ Lời Chúa. Sau nghi thức, các tín hữu sẽ có thể bắt đầu kính viếng thi hài của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô.

Giáo hoàng: “Xã hội yêu thương phải giải phóng phụ nữ khỏi áp lực phải phá thai”

0

Trong một thông điệp gửi tới cuộc hành hương do Phong trào Bảo vệ Sự sống Ý (Italy) tổ chức, Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi người Kitô hữu đứng về phía những thai nhi chưa chào đời – những người không có tiếng nói.

Hiện đang ổ điều trị viêm phổi kép tại Bệnh viện Gemelli, Rôma, Giáo hoàng Phanxicô đã gửi thông điệp đến những người tham gia chuyến hành hương nói trên.

Trong Thánh lễ dành cho đoàn hành hương tại Vành điện Thánh Phêrô, quốc vụng khố tố Pietro Parolin đã thay mặt Giáo hoàng đọc thông điệp này.

“Hãy tiếp tục đặt niềm tin vào phụ nữ, vào khả năng đón nhận, hạnh phúc và sự can đảm của họ,” Giáo hoàng Phanxicô viết. “Phụ nữ phải nhận được sự hỗ trợ từ toàn xã hội dân sự và giáo hội.”

Người đứng đầu Tòa Thánh bày tỏ sự tiếc nuối trước áp lực mà xã hội đề nặng lên phụ nữ trong việc đề cao lối sống chạy theo “sở hữu, hành động, sản xuất và ngoại hình.”

Giáo hoàng nhấn mạnh, Giáo hội luôn mong muốn khẳng định phẩm giá con người và đặt những người yếu thế nhất vào vị trí trung tâm.

“Thai nhi chưa chào đời là biểu tượng trọn vẹn nhất cho mọi người không có tiếng nói và không được để ý tới,” ngài nói. “Đứng về phía họ cũng chính là đứng về phía mọi con người bị gạt ra bên lề trong xã hội.”

Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi người Kitô hữu hãy xây dựng “nền văn minh tình yêu,” nơi phụ nữ được giải thoát khỏi những áp lực buộc họ không sinh con.

Ngài đồng thời ngợi khen Phong trào Bảo vệ Sự sống Ý (Italy) với những hoạt động hỗ trợ phụ nữ mang thai khó khăn hoặc đang bị áp lực phải phá thai.

Cuối thông điệp, Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện đức Mẹ Maria che chở những người hoạt động vì sự sống, đồng thời kêu gọi học giá sinh và các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho sức khỏe của ngài.

Vatican News

Mùa Chay này, hãy dành thời gian nhìn lại “xà trong mắt mình”

Mùa Chay năm nay đến muộn. Một sự trùng hợp đầy ý nghĩa – có lẽ là do sự quan phòng của Thiên Chúa – khi chúng ta được nghe đoạn Tin Mừng Chúa Nhật VIII Thường Niên chỉ ba ngày trước Thứ Tư Lễ Tro. Đó quả là một khởi đầu tuyệt vời cho một Mùa Chay ý nghĩa.

Trong bài giảng trên cánh đồng theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã kể ba dụ ngôn, trong đó dụ ngôn nổi bật nhất là:

“Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em rằng: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác trong mắt người anh em.”

Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi nhìn lại “cái xà” trong mắt chính mình.

Lời khuyên này càng đúng đắn hơn nếu chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, muốn giúp xã hội vượt qua tình trạng chia rẽ sâu sắc hiện nay. Thật dễ dàng để chỉ trích những người có quan điểm chính trị khác mình. Tại sao họ không thể nhìn mọi thứ giống như chúng ta nhỉ?

Hãy nhìn vào những người Công giáo từ chối bỏ phiếu cho các chính trị gia ủng hộ phá thai. Tôi không đồng tình với họ, nhưng tôi biết những người mà vấn đề phá thai mang tính quyết định trong lựa chọn của họ không phải là kẻ điên rồ hay độc ác. Họ tin rằng nếu một chính trị gia sai lầm trong vấn đề nền tảng như bảo vệ sự sống con người vô tội, thì khó có thể tin rằng người đó sẽ đúng đắn trong các vấn đề khác. Họ nhìn nhận đây là sự thiếu hụt nghiêm trọng về tầm nhìn đạo đức.

Tôi biết nhiều chính trị gia ủng hộ quyền phá thai vẫn có một cái nhìn đạo đức vững chắc, dù việc họ không nhận ra những vấn đề đạo đức trong chính sách phá thai là điều rất đáng tiếc. Dù họ chưa bao giờ thuyết phục được tôi bằng các lập luận của mình, tôi cũng không cho rằng sự mù quáng của họ lớn hơn hay nhỏ hơn những người chống phá thai nhưng lại phớt lờ tính cấp bách trong việc chống biến đổi khí hậu.

Quan điểm chính trị của mỗi người chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Kinh nghiệm sống, bạn bè, nguồn giá trị mà họ tiếp thu… đều góp phần định hình tư tưởng. Một số người nhìn chính trị như “nghệ thuật của sự khả thi” và chấp nhận sự linh hoạt trong việc áp dụng lý tưởng vào thực tiễn. Ngược lại, có người cho rằng điều đó sẽ làm loãng các nguyên tắc đạo đức, nên họ giữ lập trường cứng rắn.

Lịch sử cho thấy có những thời điểm đòi hỏi sự kiên định, nhưng cũng có lúc điều đó trở thành một trở ngại. Tuần trước, tôi xem lại bộ phim “Judgment at Nuremberg” (1961) với các diễn viên Spencer Tracy, Marlene Dietrich, Burt Lancaster và Maximilian Schell. Bộ phim khắc họa phiên tòa xét xử bốn thẩm phán từng phục vụ dưới chế độ phát xít. Dù ai cũng biết phát xít Đức là tội ác rõ ràng, bộ phim vẫn thể hiện được sự phức tạp của tình huống: những thẩm phán này chỉ đơn thuần thi hành luật pháp vào thời điểm mà luật pháp bị chính nhà lập pháp bóp méo. Cuối cùng, ngay cả hội đồng xét xử cũng không thể đưa ra phán quyết nhất trí.

Với tư cách là người Công giáo, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt trong việc xây dựng một nền chính trị tốt đẹp hơn. Vấn đề của những “chiến binh văn hóa” không nằm ở chỗ họ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề gây tranh cãi, mà ở việc họ quá dễ dàng chọn thái độ lên án một cách gay gắt.

Giáo sư Cathleen Kaveny của Đại học Boston từng nhận xét: “Cách tiếp cận mang tính chiến tranh văn hóa là phản tác dụng. Không ai thay đổi quan điểm khi bị các giám mục đối xử bằng thái độ khinh miệt như nhà tiên tri.” Bà đã viết cuốn sách Prophecy Without Contempt: Religious Discourse in the Public Square (Tiên tri không kèm khinh miệt: Diễn ngôn tôn giáo trong không gian công cộng) năm 2016, nhằm phân tích sâu sắc vấn đề này.

Người theo xu hướng tự do sẽ nghĩ về những nỗ lực ngăn cản Tổng thống Joe Biden rước lễ. Người bảo thủ thì nghĩ đến bài giảng của Giám mục Mariann Budde ngay sau bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Có lẽ Mùa Chay này, tất cả chúng ta nên từ bỏ cả “sự khinh miệt tiên tri” lẫn sô cô la.

Các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, văn hóa, lao động và tôn giáo – những người nắm giữ trách nhiệm – cần được đánh giá theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất về sự chính trực và đức độ. Còn đối với những người bình thường, Tin Mừng Luca mời gọi chúng ta hãy có tấm lòng bao dung.

Người duy nhất mà chúng ta nên soi xét khắt khe như các chính trị gia chính là bản thân mình.

Chúc mọi người một Mùa Chay hạnh phúc, biết tha thứ, nhẹ nhàng và luôn biết nhìn lại chính mình.

Nguồn: NCR