spot_img

Tất cả mọi cái lệch lạc về đời sống luân lý đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết đức tin

Câu hỏi: Một người bạn không còn đi nhà thờ, đọc sách của Dan Brown, và nói rằng Chúa Giêsu và Đức Phật chỉ là thánh nhân, Vatican là nơi hoạt động mafia, và các câu chuyện trong Kinh Thánh chỉ là bịa đặt. Làm sao để trả lời người bạn này?

 

LM Giuse Phạm Quốc Văn: “Những câu hỏi mà chúng ta đón nhận được. Tôi xin được tóm tắt bằng một nhận định rất căn bản trong sách giáo lý Công giáo, và sau đó thì soi vào từng chi tiết nhỏ một chúng để chúng ta hiểu hơn vấn đề.

Trong sách Giáo lý Công giáo cho chúng ta rút ra nhận định như thế này: tất cả mọi cái lệch lạc về đời sống luân lý đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết đức tin.

Khi tôi lấy một cái ví dụ: ta sợ ma, bởi vì ta cứ nhìn thấy một cái hình bóng là nó tưởng là ma. Trong đêm, thì cái lá chuối vật vờ ta cứ tưởng nó là ma, mà đến gần rồi thì chỉ là lá chuối khô thôi. Thiếu sự hiểu biết thì tạo ra một cảm giác sợ hãi.

Thế bây giờ, trong đời sống luân lý cụ thể ở đây, với những cái nhận định mà người anh em gửi cho chúng ta: Trước hết, Giêsu và Đức Phật như nhau, trên bình diện con người thì quả thật các ngài là những thánh nhân, những vĩ nhân chúng ta kính kính trọng và yêu mến. Nhưng trong bình diện mặc khải thì Đức Phật là con người, còn Đức Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể. Nếu anh không tin, tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, anh không tin rằng Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể vào trần gian, thì chúng ta không có cùng đứng trên một cơ sở để chúng ta trò chuyện với nhau. Chúng ta phải xác nhận và tin về ánh sáng mặc khải: Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Còn nếu chỉ nói Ngài là người không thôi thì chuyện này chúng ta cũng đã nói nhiều, liên quan cả đến những cái lạc đạo của những thế kỷ đầu tiên về mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô. Chúng ta không có lặp lại ở đây, cho nên không thể đánh đồng Đức Giêsu và các vị sáng lập của tôn giáo khác.

Thứ hai, khi nói đạo tại tâm, đây là một cái lý luận nó quen trong xã hội đương đại. Tôi cứ cho là mình đón nhận cái lý luận này, nhưng mà minh họa bằng một cái hình ảnh của đời thường soi vào cái lý luận của đức tin: đôi bạn trẻ yêu nhau, và người ta lý luận yêu nhau tại tâm. Yêu thương tại tâm nghĩa là gì? tức là không nhất thiết phải hò hẹn, không nhất thiết phải gặp mặt, không nhất thiết phải nói với nhau một lời yêu thương ‘Anh yêu em’ hoặc ‘Em yêu anh’. Không nhất thiết phải nhớ đến những ngày của nhau, một sự quan tâm, một nhánh hoa, một quà tặng, không quan trọng những thứ đó, yêu nhau tại tâm. Trong tâm hồn tôi yêu em là được rồi, mà tôi cũng không cần phải biểu hiện bên ngoài. Nhìn vào đôi mắt anh đây thì hiểu trái tim này. Mà mắt anh cận 4 độ , nhìn thấy gì đâu! Cho nên, nếu ta cứ nghĩ yêu nhau tại tâm như thế thì cuộc sống này nó nhạt nhẽo lắm. Tất cả những cái tiệm bán hoa rẻ hết, tất cả những cái nơi bán quà lưu niệm là đóng cửa, tất cả những cái nơi giải trí, cinéma không có lý do hiện hữu. Bởi vì người ta yêu tại tâm.

Cũng vậy trong đời sống, đôi khi một tin nhắn, một lời hỏi thăm, một cái món quà nhỏ nhắc nhớ nhau ngày lễ. Nó không phải là tình yêu nhưng nó biểu hiện sự quan tâm, nó biểu hiện tình yêu. Cũng vậy, đời sống tôn giáo không chỉ là một thứ tín ngưỡng. Ta phải lưu ý cái sự khác biệt giữa tôn giáo và tín ngưỡng. Tín ngưỡng thì ở trong lòng, còn tôn giáo thì thể hiện ra bên ngoài, có những sinh hoạt phải có lễ bái, phải có phụng vụ tôn giáo. Anh cắt bỏ tất cả những cái đấy thì cái khái niệm rất căn bản về tội, về tín ngưỡng và tôn giáo anh đã không có. Cho nên phải phân biệt cái đấy. Khi nào anh chấp nhận yêu tại tâm thì lúc bấy giờ chúng ta lại tiếp tục lý luận đạo tại tâm. Sống đức tin thì đức tin phải có hành động. Tôi xin được kết luận ngắn gọn lời của Thánh Giacôbê: ‘Đức tin không có việc làm là đức tin chết’.

Còn bây giờ thì người ta bảo rằng Vatican, nơi Đức Giáo Hoàng ở, là sào huyệt của mafia, rồi thì những điều trong Kinh Thánh là không có thật. Nguyên nhân người anh em là đọc tác giả Dan Brown, một nhà văn người Mỹ chẳng hạn như là cuốn “Mật mã Dvanci” đó. Tôi có nhớ kỷ niệm ngồi trong lớp học, đang ngồi học thì có một bà Sơ người Nhật bên cạnh, tôi cứ thấy cầm cuốn sách dày, thầy giáo giảng chẳng quan tâm gì. Tôi mới hỏi: ‘Sơ đọc cái sách gì vậy?’ Bạn nói nhỏ vào tai: ‘Dan Brown!’ tôi bảo: ‘Coi chừng mất đức tin đấy!’

Giáo hội lên tiếng và bảo rằng: tác phẩm của Dan Brown là một thứ thức ăn hôi thối của tâm hồn, đừng ăn, không tiêu hóa được, không ăn, không quảng bá, không coi phim, không đọc sách, bởi vì gieo rắc những cái sai lầm tệ hại. Tôi xin lỗi, bởi vì Dan Brown viết những cái đấy về giáo hội Công giáo mà Chúa Giêsu thì là Đấng nhân lành vô cùng. Hội thánh cũng diễn tả gương mặt hiền hậu của Chúa Giêsu. Cho nên ông vẫn còn được bình an. Tôi xin lỗi nếu Dan Brown viết như thế về tôn giáo khác. Có lẽ không yên ổn.

Tôi chỉ lấy một ví dụ minh họa thôi. Ở trong Da Vinci Code có một đoạn bảo rằng: cái gì nhỉ? Chết thật đau đớn với cuộc tử nạn, thì một cái tay đồ đệ nào đó là con dê tế thần, chết thay cho thầy thôi. Đức Giêsu được giải thoát, và sau đó thì lưu vong sang bên Pháp, sống với người tình của mình là Maria Mácđala, sinh con đẻ cái. Ví dụ một cái chi tiết như thế, và nhiều chi tiết khác liên quan đến hội thánh, đến lịch sử, đến Vatican v.v., được viết như là một nhà chuyên môn, nhưng thực chất đó là ngụy biện và gieo giả tạo.

Ở đây xin nhận định chung một chút liên quan đến những vấn đề như vậy. Và xin được nhắc lại như một câu kết: Tất cả những lệch lạc trong đời sống luân lý bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết đức tin, phải theo đức tin một cách đúng đắn để chúng ta có thể có một đời sống luân lý đúng nghĩa như một lời đáp trả đức tin trước tình yêu của Thiên Chúa.”

spot_imgspot_img
spot_img

BÀI MỚI

XEM THÊM