Tội lỗi lớn nhất của con người không phải là mong muốn ngang hàng với Thiên Chúa, mà chính là việc trình bày sai lạc về Ngài. Đó là khẳng định của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên trong bài giảng tại Đại hội Liên Tu sĩ Tổng Giáo phận Hà Nội lần thứ VI. Quan điểm then chốt này được Đức Cha nhấn mạnh xuyên suốt bài chia sẻ, đưa ra cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa, đặc biệt là cách chúng ta hiểu và diễn tả Thiên Chúa trong đời sống đức tin.
Theo Đức Cha Giuse, câu chuyện của ông bà nguyên tổ – Adam và Evà – là ví dụ rõ ràng nhất về việc con người bắt đầu trình bày sai lạc về Thiên Chúa. Khi con rắn cám dỗ, nó không chỉ gieo vào lòng Evà sự nghi ngờ về lời dạy của Thiên Chúa, mà còn xuyên tạc bản chất của Ngài. Con rắn đã khẳng định rằng việc ăn trái cấm sẽ giúp ông bà trở nên giống Thiên Chúa, làm cho Evà bắt đầu nghi ngờ rằng Thiên Chúa có thể không hoàn toàn tốt lành như bà đã từng nghĩ. Chính từ sự nghi ngờ và trình bày sai lệch này, tội lỗi đã xuất hiện và phá vỡ mối quan hệ nguyên thủy giữa con người và Thiên Chúa.
Việc mong muốn trở nên giống Thiên Chúa không phải là điều sai trái. Thực tế, chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Tuy nhiên, điều làm gián đoạn mối tương quan này chính là cách con người xuyên tạc và trình bày sai lạc về Thiên Chúa. Ông bà nguyên tổ, dù được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc, nhưng chỉ vì một lời nói sai lạc của con rắn, đã nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa và phá vỡ sự hòa hợp ban đầu.
Theo Đức Cha, con người vẫn đang phạm phải tội này – trình bày sai lạc về Thiên Chúa. Ngay cả trong Giáo hội, có thể vô tình hoặc cố ý, trình bày một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa, biến Ngài thành một đấng chỉ biết trừng phạt, hoặc là một nhân viên điều tra luôn dõi theo và bắt lỗi con người. Đây là một cách hiểu không chính xác về bản chất yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không phải là một Đấng- trừng- phạt, mà là một người – Cha – yêu – thương, luôn sẵn sàng tha thứ và đón nhận con cái mình. Chúa Giêsu đã đến trần gian để điều chỉnh lại hình ảnh sai lệch về Thiên Chúa mà con người đã xây dựng, giúp con người hiểu đúng về Thiên Chúa và xây dựng lại mối quan hệ tình yêu với Ngài.
Ngoài ra, Đức Maria, qua sự khiêm tốn của mình, cũng đã phục hồi hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa. Đức Maria đã nói lời “Xin Vâng” với tất cả lòng tin tưởng và phó thác. Hành động khiêm nhường này đã giúp Maria trở thành một biểu tượng của sự phục hồi và tái lập mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa.
Đức Cha Giuse cũng kêu gọi mỗi người tín hữu hãy tự vấn lương tâm xem cách mình trình bày về Thiên Chúa có đúng đắn không, đảm bảo rằng những gì chúng ta nói và làm phản ánh đúng hình ảnh của Thiên Chúa: một Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và luôn đồng hành với con người.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, mỗi người Kitô hữu, đặc biệt là các tu sĩ, phải trở thành những chứng nhân sống động, phản ánh sự thật mà chúng ta rao giảng. Chứng nhân phải đi trước chứng từ, có nghĩa là trước khi chúng ta có thể chia sẻ về Thiên Chúa với người khác. Đời sống của chúng ta phải là một minh chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Trong xã hội ngày càng phát triển và hiện đại, nơi con người dễ bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất và công nghệ, Đức Cha mời gọi chúng ta sống một đời sống chứng tá, nơi mà hình ảnh Thiên Chúa được phản ánh qua cách sống hằng ngày của mỗi người Kitô hữu. Qua đời sống phù hợp với lời rao giảng, chúng ta có thể trở thành những nhân chứng đích thực của Tin Mừng trong xã hội hôm nay.
Bài giảng || Đại hội Liên Tu sĩ Tổng Giáo phận Hà Nội lần thứ VI – YouTube