Ngày 7 tháng 10 năm 1571, Tây Phương thoát khỏi sự đe doạ của quân Thổ Nhĩ Kỳ nhờ chiến thắng ở vịnh Lê-pan-tô. Người ta cho rằng chiến thắng đó là kết quả của Kinh Mân Côi. Ngày nay, mừng lễ này không có nghĩa là mừng biến cố xa xưa đó, nhưng là nhắc nhở việc suy niệm các mầu nhiệm Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh vinh hiển của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, cũng như khám phá ra vị trí của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a trong mầu nhiệm Cứu Độ.
Trích bài giảng của thánh Bê-na-đô, viện phụ.
“Vì Đấng Thánh từ lòng bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Ôi nguồn mạch của sự khôn ngoan ! Ôi Ngôi Lời của Chúa Cha trên chốn cửu trùng ! Lạy Trinh Nữ thánh thiện, nhờ Mẹ làm trung gian, Ngôi Lời nay sẽ thành xác phàm, để Đấng nói : Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy, cũng nói : Thầy bởi Thiên Chúa mà ra và Thầy đã đến. Kinh Thánh viết : Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Suối đã vọt ra rồi nhưng mới chỉ ở nơi mình thôi. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa ngự trong ánh sáng siêu phàm.
Từ đầu, Chúa đã nói : Ta chỉ nghĩ đến chuyện mang lại bình an, chứ không nghĩ đến chuyện gây ra phiền muộn. Nhưng tư tưởng của Chúa thì ở trong Chúa, và Chúa nghĩ gì, chúng con đâu có biết. Quả thật, nào ai biết được tâm tư của Chúa hay ai làm cố vấn cho Người ?
Vì thế, Đấng nghĩ đến bình an đã xuống thế để thực hiện bình an : Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta rồi. Nhờ đức tin, Người hoàn toàn ở trong tâm hồn chúng ta, Người ở trong trí nhớ của chúng ta, Người ở trong tư tưởng và thậm chí Người còn đi vào tận trí tưởng tượng của chúng ta nữa. Trước kia, con người có thể nghĩ gì về Thiên Chúa, có chăng là một hình ảnh do lòng con người tạo ra ? Khi đó, Thiên Chúa là Đấng không thể hiểu được, không thể tới gần được, không thể nhìn thấy hay suy tưởng được ; nhưng bây giờ Người đã muốn cho người ta hiểu, muốn cho người ta thấy, muốn cho người ta suy tưởng.
Bạn hỏi : Bằng cách nào vậy ? Thưa qua việc Người nằm trong máng cỏ, ngủ yên trong lòng Đức Trinh Nữ, rao giảng trên núi, thức thâu đêm cầu nguyện ; qua việc Người bị treo và chết rũ trên thập giá, thoát khỏi tử thần và nắm quyền trong âm phủ ; qua việc ngày thứ ba Người sống lại, tỏ cho các Tông Đồ thấy các dấu đinh là biểu hiệu chiến thắng, và cuối cùng lên trời cao thẳm trước mắt các ông.
Trong các mầu nhiệm nói trên, có mầu nhiệm nào lại không gợi cho chúng ta những ý tưởng chân thật, đạo đức và thánh thiện chăng ? Khi tôi suy tưởng bất cứ mầu nhiệm nào trên đây là tôi suy tưởng về Thiên Chúa và qua tất cả những mầu nhiệm đó, chính Người là Thiên Chúa của tôi. Suy gẫm những mầu nhiệm ấy, tôi cho là khôn ngoan. Nhớ lại những mầu nhiệm ấy, tôi cho là sáng suốt. Những mầu nhiệm ấy ngọt như những trái hạnh đào trổ sinh từ cây gậy của tư tế A-ha-ron. Sự ngọt ngào đó, Đức Ma-ri-a đã kín múc từ trời cao và đổ xuống tràn trề trên chúng ta.”
Nguồn https://ktcgkpv.org/readings/prayer