Một bãi tàu đắm bí ẩn nằm sâu trong lòng Biển Ðen đang chứa nhiều xác tàu cổ, được cho là mang theo manh mối có thể hóa giải bí ẩn về con thuyền trong Kinh Thánh và sự kiện đại hồng thủy vào một ngày không xa.
Ngoài khơi bờ biển của thị trấn Nessebar, Bulgaria, là mồ chôn của 60 xác tàu cổ, với chiếc cổ nhất có niên đại từ năm 400 trước Công Nguyên. Nằm rải rác ở độ sâu từ 300 đến 1.800m, tức trong môi trường hiếm khí oxy, chúng được bảo quản trong tình trạng gần như hoàn hảo. Một số xác tàu vẫn còn trong tình trạng tốt đến nỗi có thể dùng mắt thường quan sát thấy rõ những đường nét khắc họa trên các mảnh gỗ ở thân tàu. Nghĩa trang chứa đầy xác tàu đã lọt vào tầm mắt của những nhà đại dương học trong lúc họ vẽ bản đồ thềm biển vào năm 2016. Giờ đây, sau thời gian nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng họ đã tìm được manh mối có thể giúp hóa giải bí ẩn lâu nay liên quan đến tung tích của thuyền Nôê, theo báo The Sydney Morning Herald.
Giả thuyết về Ðại hồng thủy
Năm 2000, các nhà địa chất biển William Ryan và Walter Pitman phối hợp xuất bản quyển sách bán cực chạy với tựa đề “Noah’s Flood” (tạm dịch: Ngập tàu Nôê), trong đó trình bày giả thuyết cho rằng cách đây 20.000 năm, Biển Ðen là một vùng hồ kích thước khiêm tốn chứ không hiện diện với diện tích đáng nể 436.000 km2 như ngày nay. Tuy nhiên, đến cuối Kỷ Băng hà, tức cách đây khoảng 12.000 năm, những sông băng bắt đầu tan chảy, làm mực nước biển dâng cao đáng kể và kết nối vùng hồ nhỏ bé với Biển Aegea. Nước tan chảy từ các sông băng đã đổ vào khu hồ với luồng chảy cực xiết, “ngốn ngấu” vùng đất tương đương kích thước của Ireland.
Bộ đôi nhà khoa học tin rằng họ đã tìm được chứng cứ cho thấy từng có khu định cư thuộc về các nền văn minh cổ xưa tại một số khu vực cách bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ đến 20km. Ðiều đó chứng tỏ những nơi này trong quá khứ từng là những vùng đất trên cạn, và vì một lý do nào đó đã ngập trong nước biển như ngày nay. Hiện các nhà khoa học thuộc Dự án Khảo cổ Biển Ðen (MAP) hy vọng việc thu thập những mẫu đất trong lòng biển gần bãi nghĩa địa xác tàu Nessebar có thể giúp xác nhận hoặc bác bỏ giả thuyết về Noah’s Flood cách đây gần 20 năm. Cụ thể, họ muốn tìm hiểu liệu nước có tràn vào Biển Ðen với tốc độ như vũ bão cách đây nhiều ngàn năm trước hay không.
Phiên bản 3D của tàu Nôê
Giả thuyết trên được nhắc đến sau khi một đội ngũ các nhà thám hiểm tuyên bố họ đã tìm được nơi chôn thân của xác con thuyền nổi tiếng trong lúc khai quật khu vực thuộc núi Ararat của Thổ Nhĩ Kỳ. Noah’s Ark Ministries International, đội làm phim tài liệu ở Hồng Kông, cho hay đã lấy được những mảnh gỗ từ một cấu trúc lớn, có niên đại cách đây 4.800 năm và ở độ cao gần 4.000m so với mặt nước biển. Ông Yeung Wing-cheung, nhà làm phim của đoàn, tiết lộ: “Chúng tôi dù chưa chắc chắn 100%, nhưng cũng nắm đến 99,9% đây là thuyền Nôê”. Cấu trúc bằng gỗ có một số khoang, bao gồm các đà gỗ. Bên cạnh đó, họ còn phát hiện một số đồ vật dường như là vách gỗ, cửa, đinh và thậm chí cả cầu thang.
Trong một diễn biến liên quan, báo The Hurriyet đưa tin bộ phim tài liệu về nơi được cho là chốn chôn thân của thuyền Nôê trên núi Ararat sẽ được phát sóng sau thời gian chuẩn bị công phu. Kỹ sư máy tính kiêm chuyên gia khảo cổ Andrew Jones và nhà địa vật lý học John Larsen đã dựng mô hình 3D về địa điểm này, và chia sẻ với ông Cem Sertesen, giám đốc sản xuất bộ phim tài liệu“Noah’s Ark” được phát hành vào năm 2017 sau 22 năm thu thập tài liệu. Dựa trên tư liệu mới, giám đốc Sertesen sẽ tiếp tục cho ra đời bộ phim “Noah’s Ark-2”. “Ðó là những thước phim thực sự về một con thuyền, bị chôn vùi bên dưới lòng đất”, đạo diễn Sertesen cho biết.
Các hình ảnh trên đã được chụp bằng công nghệ mới, cho phép bắn tín hiệu điện tử xuyên lòng đất và vẽ nên mô hình của một đối tượng nằm bên dưới. “Nó thật sự là một con thuyền, nhưng còn quá sớm để kết luận đây là thuyền Nôê. Chúng ta còn rất nhiều chuyện phải làm, và điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ vào sự ủng hộ của các trường đại học và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Sertesen chia sẻ với hãng thông tấn Anadolu.
LING LANG báo CG&DT