Tân Ước bắt đầu với câu chuyện về một cô gái trẻ khiêm nhường, người đã sẵn sàng tuân theo ý Chúa khi Ngài gọi cô đến với một sứ mệnh vĩ đại.
Tuy nhiên, cô cũng được miêu tả là một nữ anh hùng đạo đức, trầm tư, có khả năng thể hiện mong muốn và kỳ vọng của cả dân tộc mình qua những bài thơ xuất sắc và đẹp đẽ đến mức ngày nay, sau hơn 2.000 năm kể từ sự kiện đó, hàng triệu người Công giáo trên toàn thế giới vẫn cầu nguyện mỗi ngày. Tuy nhiên, Những phê phán nữ quyền đương đại đối với Giáo hội Công giáo cho rằng đó là một thể chế kỳ thị phụ nữ: từ việc Giáo hội nói phụ nữ phải làm gì với cơ thể mình (phá thai và tránh thai) đến việc cấm họ giữ những vị trí quyền lực trong giáo hội.
Để đáp lại những chỉ trích này, nhiều người Công giáo cho rằng, ngược lại với suy nghĩ lạc hậu và phân biệt giới tính, Giáo hội luôn là động lực cho những thay đổi tôn giáo và xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ. Họ không sai. Tuy nhiên, việc biện hộ rằng Giáo hội là tổ chức nữ quyền đầu tiên — hoặc những cách tiếp cận tương tự — có nguy cơ chấp nhận chính những tiền đề sai lầm tạo nền tảng cho dự án nữ quyền hiện đại, với trọng tâm là quyền lực, tự chủ, bình đẳng.
Cuốn sách ngắn về lịch sử “Phụ nữ của Giáo hội: Những gì mọi người Công giáo nên biết” của Bronwen McShea, dù rất xuất sắc, đã có phần nghiêng về xu hướng nữ quyền này ngay từ đầu. “Cuốn sách này cũng dành cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử Công giáo – để chứng minh rằng lịch sử của phụ nữ trong Giáo hội cũng là lịch sử của Giáo hội, không kém gì lịch sử của nam giới.” Câu này hoàn toàn hợp lý, nhưng ai đã nói ngược lại? Và có phải đây là một cuộc cạnh tranh?
McShea mang đến những giai thoại thú vị về nhiều thánh nữ và những người tử đạo Công giáo từ thế kỷ thứ ba như Perpetua và Felicity (có lẽ là tài liệu kể lại đầu tiên từ góc nhìn của một người phụ nữ), đến những nữ hoàng vĩ đại của thời trung cổ như Jadwiga của Ba Lan, đến các nhà thần bí hiện đại như Thérèse của Lisieux. Tuy nhiên, cũng có vẻ như có một sự cần thiết gượng ép để thuyết phục độc giả về sự không thể thiếu của phụ nữ.
Bà lập luận rằng nếu không có Helena, mẹ của Constantine, thì đã không có sự tự do cho Kitô giáo ở Đế chế La Mã cuối thời, và không có Tín điều Nicene, vì Constantine đã triệu tập hội đồng tạo ra nó. Điều này đúng, nhưng chẳng phải các bà mẹ luôn đứng sau mọi vĩ nhân hay sao?
Cuốn sách rải rác một cách không cần thiết với loại ngôn ngữ này. “Phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong những ngày đầu của chế độ tu viện Kitô giáo.” Các nữ hoàng và quý tộc Kitô giáo “đóng vai trò hàng đầu trong việc thành lập các cộng đồng tu viện mới.” Isabella của Tây Ban Nha là một “người phụ nữ Công giáo đáng gờm mà nếu không có bà, những sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo hội không thể hiểu hết được.” Maria Theresa của Áo là “một trong những nhân vật quyền lực nhất của thời kỳ Khai sáng.”
Việc liên tục nhắc lại quyền lực và tầm ảnh hưởng của phụ nữ này làm giảm đi sức hút của một bản tóm tắt thú vị về vai trò của phụ nữ trong lịch sử Kitô giáo. Trong lời tựa, McShea thừa nhận rằng khi còn nhỏ bà bị thu hút bởi các vị thánh nam hơn vì họ có vẻ “năng động” hơn, dường như là một nỗ lực để thu hút độc giả nữ quyền nghi ngờ một Giáo hội đàn áp, gia trưởng. Nhà văn Công giáo nổi tiếng Patricia Snow nhấn mạnh mục tiêu đó trong lời mở đầu khi bà viết, có phần kỳ quặc: “người phụ nữ bước lên trung tâm và các khía cạnh của dự án nữ giới trở nên rõ ràng.”
Không thể phủ nhận, McShea đúng khi nói về vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt lịch sử Giáo hội. Kinh Thánh và Giáo hội sơ khai đã khá triệt để trong việc tôn trọng phẩm giá con người của phụ nữ, cũng như trao cho họ mức độ ảnh hưởng và tự chủ chưa từng có. Chính phụ nữ đã tài trợ cho công cuộc truyền giáo của Chúa Giêsu (Luca 8:30); đa số những người theo Ngài tại thập giá là phụ nữ (Mác 15:40-41); và họ là những người đầu tiên nhìn thấy Chúa Phục sinh (Gioan 20:1-18).
Mặc dù gây tranh cãi, McShea viết một cách tuyệt đẹp về phụ nữ — từ các thánh cho đến những người không phải là thánh — trong suốt hai thiên niên kỷ lịch sử Giáo hội. Chúng ta biết về Dihya, một nữ hoàng Berber ở vùng Algeria ngày nay, người đã chiến đấu chống lại các đạo quân của Vương triều Umayyad trong một hành động (cuối cùng là thua cuộc) chống lại cuộc chinh phục của người Hồi giáo. Chúng ta cũng đọc về các Beguines thời trung cổ, những người mặc dù không có lời thề tôn giáo trang trọng nhưng đã cam kết giữ độc thân, cầu nguyện, ăn chay, lao động thủ công và làm từ thiện. Chúng ta được biết đến Chân phước Maria Theresa Ledóchowska, một nữ quý tộc Ba Lan đã thúc đẩy các sứ mệnh châu Phi trong những thập kỷ đầu thế kỷ 20.
Nhưng bài học mà chúng ta nên rút ra từ những câu chuyện hấp dẫn này là gì? Có phải rằng những phụ nữ này quyền lực, có ảnh hưởng và độc lập — một ngôn ngữ mà dù không cố ý, cũng đồng tình với các chủ đề nữ quyền hiện đại về nơi tìm thấy ý nghĩa của con người? Hay rằng họ đã sống dũng cảm (và thường là chết) vì Chúa Kitô? Toàn bộ phần trình bày dường như ngụ ý rằng phụ nữ hiện đại không cần phải sợ hãi; Giáo hội thúc đẩy những giá trị nữ quyền mà họ đã được thế giới thế tục dạy dỗ.
Hơn nữa, cách tiếp cận này che giấu thực tế về giáo lý Công giáo được thể hiện trong khởi đầu của các sách Tin Mừng về Đức Maria — nơi một người phụ nữ khiêm nhường từ bỏ sự tự chủ của mình vì lợi ích của người khác. Như nhà xã hội học Rodney Stark lập luận trong cuốn sách ấn tượng The Rise of Christianity, điều này đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Giáo hội trong năm thế kỷ đầu tiên.
Trong một Đế chế La Mã ủng hộ hệ thống phá thai và giết trẻ sơ sinh, vốn nhắm chủ yếu vào các bé gái, Kitô giáo đã khẳng định phẩm giá vốn có của mọi sự sống con người, bất kể giới tính. Những sự lên án của Kitô giáo đối với ly dị, loạn luân, ngoại tình và chế độ đa thê đều nhằm bảo vệ phụ nữ. Trong khi đó, tỷ lệ lớn phụ nữ trong các cộng đồng Kitô giáo đã dẫn đến việc họ nắm giữ những vị trí đặc quyền hiếm khi có được ở La Mã ngoại giáo.
Trớ trêu thay, chính những giáo lý Công giáo đã từng thúc đẩy giá trị và địa vị của phụ nữ, ngày nay lại bị coi là trở ngại lớn nhất cho những điều đó. Điều liên kết thời đại nữ quyền thế tục hiện đại với thế giới ngoại giáo cổ xưa dường như là sự ác cảm, nếu không muốn nói là thù địch, đối với khả năng sinh sản của phụ nữ, điều này hạn chế quyền tự chủ và quyền lực của con người.
Nếu vậy, nói với phụ nữ rằng họ sẽ tìm thấy quyền lực, tầm ảnh hưởng và bình đẳng trong Giáo hội rõ ràng không phải là thông điệp đúng đắn, bởi vì Giáo hội cơ bản hơn dạy về sự khiêm nhường và sự tự phủ nhận.
Tốt hơn nhiều, theo tôi nghĩ, hãy thẳng thắn kể lại những câu chuyện kỳ diệu về các phụ nữ Công giáo với tất cả sự can đảm và đam mê mà họ xứng đáng. Trong nhiệm vụ đó, dù sao thì McShea cũng đã thành công.
A An Bình dịch từ Catholiceducation.org
Tác giả
Casey Chalk
Casey Chalk là tác giả của cuốn sách The Persecuted: True Stories of Courageous Christians Living Their Faith in Muslim Lands (Nhà xuất bản Sophia Institute Press) và là cộng tác viên cao cấp tại tạp chí The Federalist. Ông có bằng Thạc sĩ Thần học từ Christendom College.