Tại số 377, triệt 1, qui định rằng: ”Đức Giáo Hoàng tự do bổ nhiệm các Giám Mục hoặc là phê chuẩn các Giám Mục đã được bầu lên một cách hợp pháp”.
Việc Đức Thánh Cha trực tiếp bổ nhiệm là điều được hiện được áp dụng hầu hết trong hơn 2.600 giáo phận trên thế giới. Nhưng trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương, thì Hội đồng Thượng Phụ hoặc Tổng Giám Mục trưởng bầu Giám Mục cho lãnh thổ thuộc quyền và xin Đức Thánh Cha phê chuẩn.
Tại triệt 2 số 377, qui định rõ: ”Ít là ba năm một lần, các giám mục của một giáo tỉnh, hoặc các Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục, phải thỏa thuận với nhau và với tính cách bí mật, thiết lập một danh sách các linh mục, kể cả các linh mục dòng, xem ai có tư cách làm giám mục, và gửi bản danh sách đó cho Tòa thánh; tuy nhiên, mỗi giám mục vẫn được quyền thông tri cho Tòa thánh một cách riêng rẽ danh tánh những linh mục được ngài xét thấy xứng đáng và có tư cách để lãnh nhận nhiệm vụ giám mục”.
Tại triệt 3 số 377, sau khi có danh sách đề cử của Hội đồng Giám mục, Sứ Thần Tòa thánh hay Khâm sứ Tòa Thánh (Đại diện Thường trú tại Việt Nam) sẽ “đánh giá từng ứng viên bằng cách tham vấn với dân Chúa. Quá trình này được thực hiện với tính bảo mật cao nhất. Những người được hỏi ý kiến trong quá trình này được yêu cầu giữ bí mật nghiêm ngặt để đảm bảo tính trung thực của thông tin và trên hết là để bảo vệ danh tiếng của người được đánh giá.”
Sau khi các Bộ của Tòa thánh cứu xét, các khuyến nghị sẽ được trình lên Đức thánh cha trong một cuộc tiếp kiến riêng tư với ngài, thường là vào ngày thứ Bảy. Một vài ngày sau đó, Đức Giáo Hoàng thông báo cho thánh bộ về quyết định của mình. Sau đó, Thánh bộ thông báo cho Đức Sứ thần hoặc Đức Khâm sứ; Đức Khâm sứ là người sẽ liên hệ với ứng viên và hỏi ý ứng viên có chấp nhận việc bổ nhiệm hay không. Nếu câu trả lời là “có”, đức khâm sứ báo cáo lại cho tòa thánh Vatican và một ngày được ấn định để thông báo công khai.
Như vậy theo Giáo luật hiện hành, tiến trình Bổ nhiệm các Giám mục là một tiến trình được thực hiện theo qui trình bốn bước, bao gồm: 1/Đề cử của Giám mục Chính Tòa, 2/ Sứ Thần Tòa thánh (Khâm sứ, Đại diện thường trú) điều tra, xem xét, 3/ Bộ Giám mục nghiên cứu, khuyến nghị; 4/Đức Thánh cha Phê chuẩn và công bố.
Thông thường, tiến trình này ít nhất kéo dài từ 6 đến 8 tháng, đôi khi lâu hơn kể từ khi một giáo phận trống tòa cho đến khi một giám mục mới được bổ nhiệm.
Tuy nhiên, kể từ năm 1990, để có thể đối thoại nhằm thiết lập quan hệ bang giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam, hai bên đã thỏa thuận: “Mọi vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam, Tòa thánh sẽ thông báo cho chính phủ và sau khi có sự thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam, thì Tòa thánh mới ra quyết định. Việc này bao gồm các chủ trương của Tòa thánh, việc phong chức Hồng y, Giám mục, Giám quản Tông tòa và các việc khác hai bên cùng quan tâm. Khi hai bên có ý kiến khác nhau thì sẽ gặp nhau trực tiếp để bàn bạc.”(Công giáo và Dân tộc, Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995), xuân 1996, tr. 125)
Trên thực tế, có những trường hợp Nhà nước trả lời nhanh chóng khoảng vài ba tháng; có những trường hợp khác đã triển hạn nhiều lần và cũng có những trường hợp Nhà nước không chấp thuận người được tiến cử. Sau khi nhận được trả lời đồng thuận của Nhà nước, Tòa Thánh mới thông báo cho giáo phận và tiếp tục những thủ tục cần thiết khác. Khi báo tin cho giáo phận về ngày công bố bổ nhiệm thư thì Tòa Thánh cũng báo tin cho một vài cơ quan Nhà nước.
Như vậy, tại Việt Nam hiện nay, tiến trình bổ nhiệm các giám mục không chỉ kéo dài qua 4 bước, nhưng là 5 bước. Điều này giải thích vì sao, thời gian bổ nhiệm các Giám mục tại Việt Nam thường kéo dài lâu hơn, có khi 2 hoặc 3 năm, cũng có trường hợp kéo dài 11 năm trống tòa như tại Giáo phận Hưng Hóa sau cái chết của Đức cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu. Và nhất là, tin tức về các Giám mục tân cử thường không được “bảo mật” theo qui định bất biến của Bộ Giáo luật. Nhiều trường hợp, danh tính của vị Giám mục tân cử được dư luận “đồn đoán trúng” cả năm trời trước khi Tòa thánh chính thức công bố việc bổ nhiệm.