Vợ của các phó tế chia sẻ về việc sống đời hôn nhân với người phục vụ trong hàng Giáo sĩ

9 lượt xem - Posted on

Tác vụ của người phó tế chắc chắn là một đòi hỏi lớn đối với cả người phó tế và người vợ.

Không phải tất cả các phó tế vĩnh viễn đều đã lập gia đình, nhưng khi họ có vợ, người bạn đời của họ thường bị ảnh hưởng sâu sắc bởi ơn gọi của chồng. Vào tháng 5 vừa qua, CARA đã công bố bản báo cáo “Chân dung phó tế vĩnh viễn năm 2024” (A Portrait of the Permanent Diaconate in 2024), trong đó có một số thông tin phản ánh mức độ tham gia của các bà vợ phó tế.

Báo cáo chủ yếu tập trung vào các phó tế, nhưng cũng có một vài thống kê làm nổi bật những cơ hội đào tạo dành cho vợ họ — một nhóm thường không được chú ý nhiều trên truyền thông.

Chúng tôi đã trò chuyện với một số người vợ về kinh nghiệm của họ khi nói lời “vâng” với ơn gọi của chồng, và cách điều đó đã thay đổi hôn nhân cũng như hành trình tâm linh của họ.

Ơn gọi chung

Một người đàn ông có gia đình khi đáp lại lời mời gọi trở thành phó tế vĩnh viễn thì cũng đồng thời mang hai ơn gọi phục vụ gia đình và phục vụ Giáo Hội. Người vợ, tuy không được truyền chức, nhưng được kết hiệp một cách bí tích với chồng mình.

Khi được hỏi liệu ơn gọi của chồng có phải cũng là ơn gọi của mình không, Joni Seith đã nhiệt thành đáp: “Vâng, chắc chắn rồi!”

Cô giải thích: “Vì một đôi vợ chồng là ‘một thân thể’, nên việc họ cùng phục vụ Thân Mình Chúa Kitô cũng như vậy.”

Lynn Welte cũng đồng tình, nói rằng dù cô không được truyền chức, nhưng cô vẫn chia sẻ lời mời gọi ấy với chồng theo nhiều cách.

Cô hồi tưởng: “Tôi nhớ khi chồng tôi được truyền chức, một bà vợ lớn tuổi đã đưa cho tôi vài cái cốc nhựa hoặc dặn tôi mang đến lễ truyền chức cho các con tôi. Bà ấy nói đó là hình ảnh tuyệt vời để các con ‘hứng lấy ân sủng’ tràn ra từ người cha đang được truyền chức. Một lời nhắc nhở thật ngọt ngào.”

Nhưng đi kèm với ân sủng là thập giá.

Một người con gái của phó tế chia sẻ rằng mẹ cô mỗi năm phải ký một văn bản xác nhận tiếp tục ủng hộ chồng trong tác vụ phó tế.

Tuy nhiên, cô thừa nhận rằng mẹ cô làm điều đó một cách miễn cưỡng, bởi vì: “Bà ấy yêu việc cha tôi hiến dâng cuộc đời cho Giáo Hội và giúp đỡ mọi người, nhưng lại ghét việc ông ấy vắng nhà quá nhiều bà ấy bị khuyết tật và không thể ra ngoài nếu không có sự giúp đỡ của ông  trong khi ông ấy lại bận rộn… giúp người khác.”

Một điều rõ ràng: người vợ có mối dây liên kết sâu sắc với ơn gọi phó tế của chồng  cả trong niềm vui lẫn nỗi vất vả.

Được tham gia đào tạo

Theo báo cáo của CARA, có đến 76% giáo phận cung cấp các chương trình đào tạo cho vợ của những người đang trong tiến trình trở thành phó tế vĩnh viễn.

Nhiều người chia sẻ rằng việc cùng học với chồng đã tạo nên sự khác biệt.

Lynn kể rằng ban đầu chồng cô từng cân nhắc gia nhập chương trình đào tạo phó tế tại một giáo phận khác. Nhưng vì nhiều lý do, ông đã không theo đuổi lúc đó, và cô cũng lưu ý: “Tại giáo phận đó, vợ không được tham gia các cuối tuần đào tạo cùng chồng” và việc đi lại xa khiến cô không thể tưởng tượng nổi việc chồng mình sẽ vắng nhà nhiều đến vậy.

Ngược lại, khi chồng cô là Phó tế Chuck bắt đầu chương trình đào tạo tại Giáo phận Duluth, cô đã được mời đồng hành trong hành trình ấy.

“Đó là một chương trình đào tạo rất đẹp. Tôi yêu thích việc tham dự cùng Chuck, học cùng những điều mà anh ấy học, và chia sẻ hành trình này cùng nhau. Tôi cũng thích việc mình không phải viết bài hay làm bài tập! Tôi chỉ cần đến, lắng nghe và hấp thụ tất cả. Tôi yêu các lớp học và hiểu biết sâu sắc hơn về đức tin Công giáo tuyệt vời của chúng ta… Họ cũng luôn nhắc chúng tôi rằng ơn gọi hôn nhân của Chuck là điều ưu tiên hàng đầu. Người đàn ông chỉ được truyền chức khi có sự đồng thuận của vợ.”

Joni chia sẻ rằng tại Tổng giáo phận Washington, D.C., “giáo phận đón nhận các bà vợ bằng vòng tay và con tim rộng mở”, mời cô tham gia các khóa đào tạo cả trong thời gian huấn luyện và sau khi chồng được truyền chức. Năm ngoái, cô còn được mời làm nữ diễn giả chính đầu tiên tại Hội nghị Phó tế của tổng giáo phận này.

Chia sẻ trong tác vụ và hy sinh

Lynn nói rằng là một người vợ của phó tế, cô thường “ở giữa mọi chuyện.” Giáo dân có thể hỏi cô các câu hỏi vì cô dễ tiếp cận, và chồng cô đôi khi nhờ cô xem lại các bài giảng. Các con của cô cũng tham gia  hai cô con gái tuổi teen làm giúp lễ khi bố dâng lễ hằng ngày.

Cô chia sẻ thật lòng rằng “cũng có những lúc điều đó là một sự hy sinh lớn, nhất là khi chồng tôi dành nhiều thời gian và công sức huấn luyện giúp lễ và chuẩn bị các phụng vụ Phục Sinh và Giáng Sinh.” Việc cân bằng giữa tác vụ và các con trưởng thành trở về nhà trong kỳ nghỉ lễ là điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

“Chúng tôi muốn các con có cái nhìn tích cực về chức phó tế,” Lynn giải thích, “tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận đã có những lúc bọn trẻ hỏi: ‘Tại sao bố lại làm phó tế vậy?’ Nhưng nhìn chung, đó vẫn là một hành trình đầy ân sủng và tuyệt vời.”

Joni cũng chia sẻ về khía cạnh hy sinh:

“Tôi cảm thấy mình đã trưởng thành hơn trong các nhân đức qua thời gian chồng tôi phục vụ phó tế. Việc phải chia sẻ chồng mình với giáo xứ giúp tôi học cách quý trọng việc anh ấy phục vụ người khác và mang tình yêu Chúa đến cho họ. Đó là sự hy sinh vì Nước Trời, và chứng tá của chồng tôi giúp tôi dễ đón nhận việc chia sẻ anh ấy cho người khác.”

Lớn lên trong đức tin

Phó tế thưa vâng với ơn gọi và giáo dân được hưởng ơn thiêng từ thừa tác vụ của ông, nhưng còn đời sống thiêng liêng của vợ ông thì sao?

Báo cáo của CARA cho thấy 79% giáo phận tổ chức tĩnh tâm dành cho các cặp vợ chồng phó tế.

Con gái của một phó tế cho biết tác vụ tích cực của cha cô khiến mẹ cô người bị khuyết tật càng khó tham dự Thánh lễ. Ví dụ, khi cha cô phải phục vụ ba Thánh lễ vào một ngày Chúa nhật, mẹ cô không thể ngồi suốt thời gian dài như vậy nên thường chọn ở nhà.

Những người khác lại có trải nghiệm khác. Lynn nói rằng về mặt thiêng liêng, “việc phát triển là vô tận.” Vì chồng cô phải đọc kinh sáng và tối, cô cùng anh cầu nguyện vào buổi sáng, còn gia đình thì đọc Kinh Mân Côi hoặc Kinh chiều cùng nhau.

“Đã nhiều lần tôi quỳ gối trong nhà chầu vì những điều đang xảy ra trong giáo xứ có thể là nỗi đau của giáo dân, nhu cầu đặc biệt hoặc những quyết định tôi không hiểu và không đồng thuận. Tôi học được sự tin tưởng lớn hơn, sự khiêm tốn và vâng phục.”

Joni nói:

“Vì chúng tôi ý thức được trách nhiệm dẫn đưa người khác đến với Chúa Kitô qua lời nói và hành động, nên chúng tôi biết mình phải luôn bén rễ trong đức tin và gần gũi với Thiên Chúa.”

Cô cũng cùng chồng đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ và chia sẻ rằng họ bắt đầu nhóm cầu nguyện sáng qua Zoom từ năm 2020 (khi đại dịch bùng phát), đến nay vẫn duy trì.

“Kinh Mân Côi và Lòng Thương Xót đã là một phần đời sống thường nhật của chúng tôi, nhưng trong 12 năm qua kể từ khi chồng tôi được truyền chức  chúng tôi luôn thêm ý chỉ cầu nguyện cho giáo xứ, vì chúng tôi yêu cộng đoàn và biết họ trông cậy vào lời cầu nguyện của chúng tôi.”

Có đáng không?

Tính đến năm 2024, theo báo cáo của CARA, có 13.864 phó tế vĩnh viễn đang hoạt động tại Hoa Kỳ. Trong đó 93% đã lập gia đình. Báo cáo không thể nắm bắt trọn vẹn trải nghiệm của các bà vợ, và mỗi người chắc chắn có một câu chuyện riêng.

Riêng với Lynn, cô nhớ lại khi chồng đang phân định ơn gọi phó tế, cô đã gặp một linh mục, và ngài nói:

“‘Nếu Chúa gọi chồng con làm phó tế, thì chồng con phải vâng phục  và con cũng vậy  vì bổn phận đầu tiên của anh ấy là với Thiên Chúa.’ Tôi mừng vì mình đã lắng nghe. Tôi thật sự biết ơn vì chồng mình là một phó tế.”

Bài đăng trên Aleteia bởi tác giả Caitlin Bootsma

Ephata dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *